Lí do để ngày mai thức giấc

Từ khoá Ikigai gần đây xuất hiện khá nhiều, kết quả seach trên google hơn 5 triệu, số lượng sách về IKIGAI đang bán trên TIKI trên dưới chục cuốn. Vậy Ikigai là gì và tìm kiếm Ikigai của bản thân để làm gì, tôi sẽ chia sẻ với các bạn ở bài viết dưới đây.

Ikigai được tạo thành từ “iki” nghĩa là cuộc sống, và “gai” nghĩa là giá trị. Vì vậy, ikigai có thể được hiểu là những giá trị khiến cuộc sống đáng sống. Khi được truyền bá sang phương tây thì Ikigai được định nghĩa là “Sứ mệnh và sự cống hiến”, nhưng có lẽ nó không thực sự giống với ý nghĩa của người Nhật. Họ dùng Ikigai để trả lời câu hỏi đơn giản hơn “lí do tại sao tôi thức dậy mỗi sáng?”. Khái niệm Ikigai ra đời từ rất sớm, ít nhất là từ thế kỷ thứ 14 trong 1 cuốn sách dậy kiếm của ông thầy Miyamoto Musasi. Người Nhật còn một khái niệm khá tương đồng khác là Shinigai (điều đáng để hi sinh) xuất hiện ở những Ninja, đội quân cảm tử Trân Châu Cảng. Cũng chính từ những khái niệm đã được truyền dậy từ khi mới sinh ra này đã tạo ra một dân tộc với những con người rất đặc biệt mà khó dân tộc nào bắt chước hay làm theo được.

Xã hội chúng ta ngày nay, không ít người nhận ra rằng con đường đời của họ được đặt ra thông qua giáo dục và một công việc tốt (việc nhẹ, lương cao :D) đã không còn phù hợp hoặc không hiệu quả với họ. Họ thấy cuộc sống có khi nhạt nhẽo, đơn điệu, có khi bị vắt kệt sức, căng thẳng quá mức. Và rồi họ đã và đang sống không như mình mong muốn hay nói cách khác họ đã “bỏ lỡ cuộc sống”. Họ muốn thay đổi để có một cái gì đó “khác hơn”, hạnh phúc hơn, nhưng họ không biết được đó là gì. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người đã tìm đến Ikigai để có được lối thoát.
Ikigai được người Nhật xác định dựa trên 4 lĩnh vực (4 vòng tròng trong hình bên dưới): Tôi thích làm gì nhất? Tôi làm gì giỏi nhất? Xã hội cần điều gì nhất từ tôi? Tôi kiếm tiền được nhờ việc gì? Giao thoa của 4 lĩnh vực trên chính là Ikigai của “Tôi”.

Có một câu chuyện khá hay của một người phụ nữ và Ikigai của cô ấy như sau: Ở một ngôi làng nhỏ bên ngoài Osaka, một người phụ nữ ở trong tình trạng hôn mê đã chết. Cô đột nhiên có một cảm giác là cô được đưa tới thiên đường và đứng trước một giọng nói của tổ tiên mình.
“Cô là ai?” Giọng nói kia hỏi cô.
“Tôi là vợ của thị trưởng”, cô đáp.
“Ta không hỏi cô là vợ của ai mà ta hỏi cô là ai”.
“Tôi là mẹ của 4 đứa trẻ”.
“Ta không hỏi cô là mẹ của ai, ta hỏi cô là ai”.
“Tôi là giáo viên”.
“Ta không hỏi cô làm nghề gì mà ta hỏi cô là ai”.
Và cứ thế. Bất kể cô trả lời thế nào, có vẻ cô đều không nhận được sự hài lòng cho câu trả lời của câu hỏi, “cô là ai?”
“Tôi theo đạo Shinto (thần đạo)”.
Ta không hỏi tôn giáo của cô là gì, ta hỏi cô là ai.”
“Tôi là một người thức dậy mỗi sớm để chăm lo cho gia đình của tôi và nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ ở trường.”Cô vượt qua bài thi, và được gửi lại trái đất. Sáng hôm sau,cô thức dậy lúc mặt trời mọc và cảm thấy ý nghĩa sâu sắc của ý nghĩa và mục đích sống. Cô dự định chuẩn bị bữa trưa cho lũ trẻ và chuẩn bị những bài học hay cho học sinh ngày hôm đấy. Người phụ nữ ấy đã khám phá ra ikigai của mình.

“Làm thế nào để tôi tìm thấy Ikigai của tôi?” Câu hỏi này không hề đơn giản để trả lời, nhất là với những người mới biết đến khái niệm Ikigai. Trong cuốn sách “Ikigai chất nhật trong từng khoảnh khắc” tác giả Yukari Mitsuhashi có hướng dẫn một số câu hỏi giúp tìm ra Ikigai như:
* Hồi nhỏ tôi thích điều gì nhất?
* Sự kiện hay biến cố nào làm tôi nhớ nhất?
* Trong cuộc sống, những khoảnh khắc nào có thể khuấy động cảm xúc của tôi?
* Điều gì đem lại hạnh phúc trong cuộc sống của tôi?
* Tôi hài lòng nhất khi dành thời gian cho việc gì?
* Điều gì làm tôi mỉm cười mỗi khi nghĩ đến?
* Những trải nghiệm nào khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt trong tôi?
* ĐIều gì khiến tôi muốn được sống để đón ngày mai?

“Khi bạn đã biết ikigai đích thực của mình là gì, nó sẽ là kim chỉ nam cho những lựa chọn của bạn, giúp bạn có thể đưa ra những quyết định dứt khoát và chắn chắn hơn. Bên cạnh đó, một khi đã tìm thấy (hoặc đoán ra được) ikigai của mình, bất cứ điều gì kết nối với ikigai sẽ tự tìm đến bạn như một phép màu, như thể có một lực bí ẩn nào đó đang khuyến khích bạn theo đuổi nó,” tác giả cũng lý giải vì sao chúng ta nên tìm ra Ikigai của mình.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về Ikigai, ví du như: người Nhật có thực sự hiểu và áp dụng tốt Ikigai không? Người Nhật có phải là những người hạnh phúc không? Nhưng nếu như chúng ta lên một chuyến tầu cuộc đời mà không biết chuyến tầu đó đi về đâu, thì cả quãng đường đó ta sẽ luôn lo lắng và bất an.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *