Bạn sẽ chọn một tập đoàn lớn hay một công ty nhỏ khi đi xin việc? Tôi nghĩ sẽ có nhiều quan điểm khác nhau trong vấn đề này. Có nhiều người muốn chọn một tập đoàn lớn – nơi mà bạn có sự ổn định, được tiếp cận với những thứ cao siêu. Cũng có những người như tôi, muốn được tham gia những công ty khi mới startup. Nơi mà mọi thứ, từ văn hoá cho đến công việc đều có sự tham gia của mình. Trong bức tranh phát triển của công ty có hình ảnh của chính mình. Chính vì vậy, DEHA là nơi tôi đã chọn.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi hình dung ra khung cảnh các ông sếp mặc vest đen, mặt hằm hằm, quát mắng nhân viên. Nhưng … trước mắt tôi là hai ông giám đốc đang trực nhật. Một ông đang chổng mông lên hút bụi, một ông vừa lau bàn vừa chửi thề. Trong từ điển của tôi, ‘trực nhật’ là công việc của mẹ và vợ, chả nhẽ vợ là sếp mình??? Thôi kệ nó đi, tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi tôi thấy khuôn mặt rạng rỡ, tinh thần sảng khoái của những người đang trực nhật. Tôi tò mò và khi đến phiên mình trực nhật thì tôi phát hiện ra nó khá là thú vị và có ích. Cứ hình dung một tên lập trình sáng ăn xôi xéo vội vội vàng vàng đến công ty, đặt mông ngay vào bàn làm việc. Và một tên cũng vội vàng để đến sớm trực nhật, tập thể dục luôn trước khi làm, tôi thích làm thằng thứ hai hơn. Và cũng từ đó, công việc dọn dẹp nhà cửa đã không còn là của riêng mẹ và vợ tôi nữa.
Ngày thứ hai đi làm, tôi bị sếp dặn dò tối ở lại OT. Tôi cảm thấy xuống tinh thần, mới vào được hai ngày mà đã thế này. Nhưng bất ngờ chưa, tối hôm đó tôi phải đi nhậu để làm quen với mọi người trong công ty. Hoá ra OT là như vậy. Khi mới vào làm việc ở những công ty trước, tôi phải mất tới hai tháng để làm quen với mọi người. Khi ở DEHA, tôi chỉ cần ba cốc bia để làm việc đó. Từ ngày dậy thì, tôi đâu có biết uống bia. Làm ở đây 2 tháng, tôi đã biết kỹ thuật mở bia bằng vỏ chai, biết thế nào là “Em chỉ từ chối khi chưa uống thôi”. Mọi người sống với nhau rất chân thành ở bàn nhậu.
Ngày thứ ba đi làm, tôi bị nghe chửi. Lại sock và xuống tinh thần một lần nữa. Tôi nghĩ rằng nơi làm việc chứ đâu phải ở bến xe bến đò. Nhưng lạ thay, sau vài lần nghe chửi, tôi thấy đồng nghiệp mình, sếp mình thật gần gũi. Và tôi cũng thử, tôi cũng chửi sếp (sau lưng), chửi thằng bên cạnh, và tôi thấy thật thoải mái. Hoá ra nó giúp chúng tôi chia sẻ quan điểm cá nhân tốt hơn, mạnh dạn đưa ý kiến và không sợ sếp. Đương nhiên việc chửi ở đây nó giống như đang thúc đẩy mình, và có cảm giác đang có người chống lưng cho mình, chứ không phải chửi kiểu chợ búa.
Có thể các bạn đang thắc mắc là vì sao chúng tôi lại hay chửi như vậy? Nói ra có thể các bạn sẽ cười nhưng nguồn gốc của nó thì chính là từ những trận half life vào giờ nghỉ trưa. Những trận chiến luôn diễn ra căng thẳng, gay cấn và chiến thắng luôn thuộc về phía có tinh thần đồng đội cao hơn, biết kết hợp, bảo vệ và giao tiếp với nhau tốt hơn. Ở những trận chiến đó tôi đã học được nhiều điều. Có những tình huống bất ngờ như vừa ló mặt ra chợ đã mù trắng trời, hay đang đi móc lốp thì gặp nguyên một ổ địch. Những lúc như vậy, nếu không có tinh thần thép thì chết chắc. Và giờ tôi đã không còn run sợ hay luống cuống trong các tình huống đó. Trong những trận chiến, không thể thiếu những âm thanh chửi rủa, nó như là chất xúc tác cho sự thăng hoa và tinh thần đồng đội. Gần như đội nào không chửi là thua.
Không chỉ có tinh thần ăn uống, chơi bời, ở DEHA tinh thần học hành luôn cao hừng hực. Em muốn học cái này, em muốn anh nói về cái kia… luôn được đáp ứng ngay lập tức. Từ việc học tiếng anh, học code, học viết email, học viết văn diễn ra liên tục. Tôi còn có cảm giác, học được ưu tiên hơn việc làm.
Có lẽ văn hoá công ty là thứ gì đó khó mà diễn tả bằng vài câu từ, cứ đắm chìm trong văn hoá đó để cảm nhận. Và rồi tôi đã yêu văn hoá đó từ khi nào không hay. Cho đến lúc này, tôi nghĩ lựa chọn của mình không sai, vì tôi đã được: chơi ra chơi, làm ra làm ở DEHA.
Cười phun cả nước bọt ra màn hình :))