Bật mí Phương pháp đọc sách hiệu quả

     Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, con người đã quen với việc làm bạn với những thiết bị thông minh như smartphone, máy tính hay ipad mà quên đi sự hiện diện của những cuốn sách, cái mà đã từng gắn bó với mỗi chúng ta từ thời còn đi học, người bạn không thể thiếu của mỗi người trên hành trình khám phá, học hỏi và trưởng thành. Bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ mua cuốn sách về đọc thay vì lên mạng đọc chưa?

    Có bao giờ bạn đọc xong một trang sách và nhận ra mình đã mơ màng trong lúc đọc không? Không có gì phải ngạc nhiên cả khi điều này không chỉ xảy ra đối với bạn mà nó xuất hiện với hầu hết mọi người khi mới bắt đầu đọc sách. Trong một khoảng thời gian nào đó, trong đầu bạn hiện lên một loạt lý do cho việc dừng đọc sách như:

  • Môi trường đọc sách quá ồn ào, không thích hợp cho việc đọc sách
  • Bạn đang bận lòng hay lo lắng về chuyện tình cảm, công việc, các mối quan hệ khác…điều đó làm tâm trạng bạn không tĩnh lặng, không thể tập trung.
  • Đang đọc sách thì nghĩ đến việc lướt mạng xã hội như Facebook, Instagram,…Bạn nghĩ chỉ xem một chút rồi quay lại với việc đọc sách. Nhưng bạn không ngờ mình lạc vào thế giới “mạng” khi nào không hay. Hay vừa đọc được vài phút, bạn đã lướt điện thoại nên tâm trí không còn để ý đến nội dung cuốn sách. Bạn nhanh chóng sao nhãng, quên đi mọi thứ vừa đọc được
  • Bạn có quá ít thời gian, nghe nhạc làm bạn mất tập trung hoặc không quá hứng thú với việc đọc sách… 

    May mắn thay, trong một lần tình cờ tôi được người anh giấu tên cùng công ty được gọi với biệt danh thân thương là  “Anh T BÉO” giới thiệu cho cuốn sách “ Phương pháp đọc sách hiệu quả” – Một tác phẩm kinh điển về cách đọc sách thông minh. Cuốn sách được viết bởi 2 tác giả người Mỹ là Mortimer J.Adler và Charles Van Doren, cuốn sách này đã được dịch ra và xuất bản tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là đọc cho xong, chắc không thấm được tí kiến thức nào khi mà trước giờ cuốn sách nào tôi cũng đọc được vài trang là chán, ngáp ngắn ngáp dài, đọc cả tuần mới xong quyển sách chỉ vài trăm trang, thậm chí có những quyển còn để lâu đến nỗi bám bụi, bám mạng nhện mà vẫn chưa đọc. Nhưng khi đọc cuốn sách trên, tôi đã nhận ra rằng “Đọc và hiểu một cuốn sách là cả một quá trình mà đòi hỏi người đọc cần phải rèn luyện.” 

Bạn đọc sách với Mong muốn lấy thêm kiến thức hay Mong muốn nâng cao sự hiểu biết của chính bản thân. 

    Lấy thêm kiến thức bằng cách “chia nhỏ nội dung đọc”, ví dụ lướt facebook, zalo, instagram.. Cho rằng chia nhỏ nội dung đọc có thể mang lại rất nhiều kiến thức mà cảm thấy thỏa mãn. Nhưng thực ra nó cũng giống như chúng ta học thuộc từ vựng tiếng anh chỉ nhớ chữ cái và hàm nghĩa của nó mà không biết cách dùng cho nên rất hay quên. Đây là kiến thức chúng ta đạt được theo mục đích đọc sách để lấy thêm kiến thức. Kiến thức ở đây thường thường chỉ là đôi chút thông tin, không hề nâng cao năng lực của chúng ta. Cách đọc sách như thế này rất nhẹ nhàng nhưng điều đạt được lại rất ít – nó chỉ mang lại cho bạn thêm chút kiến thức ít ỏi mà không nâng cao được sự hiểu biết của mình.

    Trong khi đó, việc đọc sách lại hoàn toàn khác, khi bạn càng chủ động đọc sách thì bạn sẽ càng thấy có hiệu quả hơn. “Chủ động” ở đây không phải có nghĩa là chủ động cầm sách lên đọc mà là trong quá trình đọc sách nên cố gắng tìm hiểu lối suy nghĩ của tác giả hoặc lại tìm cách đồng bộ suy nghĩ cùng tác giả. Cho nên, chúng ta chỉ có thể học hỏi từ những con người lợi hại hơn, giỏi hơn, những người có nhiều kinh nghiệm hơn. Quá trình đọc sách là quá trình rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta và tác giả, đồng điệu với chính người viết ra cuốn sách để có thể dễ dàng nắm bắt, đi vào lối suy nghĩ hành văn và hiểu cách tư duy của tác giả. Muốn đạt được hiệu quả này thì cần phải trong quá trình đọc sách tìm hiểu điều tác giả muốn truyền đạt tới độc giả. Sách là một vật trung gian mà tác giả dùng để truyền đạt suy nghĩ của mình cho nên chúng ta cần thông qua nó để nắm bắt.

   Cuốn “Phương pháp đọc sách hiệu quả” trước hết là tập hợp các bài viết chia sẻ về những niềm vui, những trăn trở về sách và việc đọc của những người đọc tiêu biểu thuộc thế hệ mà mỗi cuốn sách đều được trân quý và chuyền cho nhau. Hơn thế nữa, cuốn sách còn là một cuốn cẩm nang giúp bạn có cái nhìn tổng quan về việc đọc sách, thiết lập những kỹ năng cần thiết trong việc chọn sách, tìm sách và kỹ năng đọc sách sao cho hiệu quả và xây dựng thói quen và văn hóa đọc cho chính mình và lan tỏa nó đến những người xung quanh.

Phương pháp đọc sách hiệu quả được chia làm bốn phần lớn. Từ việc giới thiệu cho các bạn bốn cấp độ đọc lần lượt theo từng phần lớn tác giả còn lồng vào đó những “công thức” để có thể trở thành một đọc giả thông minh.

Mở đầu cuốn sách tác giả có đề cập tới “ Các phương diện đọc sách”, Đọc sách thế nào cho hiệu quả? Một câu hỏi mà không phải ai có thói quen đọc sách cũng có thể trả lời rành mạch được. Trong cuốn sách có đề cập đến các lầm tưởng khi đọc sách hay các cấp độ đọc sách cũng như ý nghĩa của việc đọc sách mang lại. Các phương pháp được giải thích chi tiết để người đọc có thể áp dụng một cách linh hoạt. Có 4 cấp độ đọc sau:

  1. Đọc sơ cấp: là một dạng đọc hiểu cơ bản, một dạng đọc nhận diện câu từ và chữ dành cho chúng ta khi bắt đầu tiếp xúc với chữ cái.
  2. Đọc kiểm soát: là cấp độ đọc thật sự, bạn phải nắm rõ về câu từ, không gặp khó khăn về cấu trúc, ngữ pháp. Ở dạng đọc kiểm soát được chia thành 2 loại:
    • Đọc lướt có hệ thống hay chuẩn bị đọc: Đây là tiến trình khởi đầu giúp bạn phân biệt được đâu là vỏ và đâu là nhân. Nó giúp bạn biết tác giả muốn nói điều gì, cuốn sách thuộc thể loại nào…
  • Xem trang đầu và phần giới thiệu nếu có: Đầu tiên đọc tên sách, rồi đọc lời nói đầu, bước này có tác dụng phân loại sách (ví dụ lịch sử, khoa học, văn học, kinh doanh…)
  • Đọc mục lục, mặc dù bây giờ có rất nhiều quyển sách làm mục lục không tốt nhưng cũng có những quyển sách mục lục tóm tắt hệ thống nội dung sách rất tốt, như là khung sách.
  • Kiểm tra bảng chỉ dẫn: Nếu như trong sách có hướng dẫn tra cứu thì cũng đọc qua một chút, điều này là để chúng ta chú ý tới những từ thường xuất hiện và lúc đọc nội dung chú ý hơn.
  •  Đọc giới thiệu về nhà xuất bản, mặc dù đại đa số là thổi phồng, nhưng cũng giúp chúng ta tăng thêm hiểu biết về quyển sách.
  • Xem những chương có vẻ quan trọng cho lập luận của cuốn sách
  • Đọc ngẫu nhiên một hoặc hai đoạn, thậm chí là vài trang liên tục bởi vì thông thường tác giả thường tổng kết ở cuối sách.
  • Đọc bề mặt: đọc lướt toàn bộ quyển sách để hiểu qua về hình thức và cấu trúc của cuốn sách. Không nên cố gắng hiểu toàn bộ cuốn sách trong lần đọc đầu tiên. Đây được coi là tiền đề cho lần đọc lại tiếp theo.
  1. Đọc phân tích: phân loại được cuốn sách đang đọc, nắm bắt được nội dung, cấu trúc, bố cục của một quyển sách, thống nhất được thuật ngữ và xác định được thông điệp mà tác giả đề cập. Đánh giá tính hợp lý của tác phẩm và đưa ra nhận định của cá nhân. Cách đọc này giúp chúng ta nhận diện được cuốn sách hay hoặc dở.
  2. Đọc đồng chủ đề: đây là cách đọc cao nhất trong các phương pháp đọc, đó là đọc nhiều cuốn sách cùng chung 1 nội dung. Yêu cầu độc giả phải có cái nhìn sâu rộng về nội dung cần đọc.

     Phương pháp đọc sách hiệu quả là một cuốn sách kinh điển về cách đọc một cuốn sách sao cho đúng, sao cho hiệu quả. Vậy làm thế nào để bản thân mình có thể trở thành một độc giả có yêu cầu cao cũng được tác giả đề cập đến trong cuốn sách. Bản chất của việc đọc tích cực là chúng ta phải đặt những “câu hỏi tích cực” xuyên suốt quá trình đọc. Đây cũng là một thói quen của các đọc giả có yêu cầu cao. Hãy là một đọc giả thông minh và một đọc giả có niềm đam mê với kho tàng của nhân loại đó là “SÁCH”. Đọc sách là rất quan trọng, nhưng đọc đúng cách quan trọng hơn. Để đọc được 1 cuốn sách khoảng 300 trang, cần dành khoảng 15 phút để chuẩn bị đọc, sau bước chuẩn bị đọc, thì hãy thực sự đọc cuốn sách bằng kỹ thuật đọc lướt, đọc nhanh, liên tục, không dừng lại, nắm từ khóa, đọc có trọng tâm những phần quan trọng. Dùng bút hoặc dùng ngón tay để chỉ, giúp mắt tập trung vào một điểm, tránh bị phân tâm trong quá trình đọc. Thời gian có thể kéo dài từ 30 phút đến 120 phút cho một cuốn sách khoảng 300 trang. Có thể dành thêm 20 ~ 30 phút để tổng hợp lại những gì vừa đọc vào giấy. Bạn có thể thấy đọc 1 cuốn sách không hề tốn quá nhiều thời gian của bạn. Bốn câu hỏi cơ bản mà bất kỳ độc giả nào khi đọc sách cũng cần phải trả lời, đó là:

  • Tổng quan cuốn sách nói về vấn đề gì? Tìm ra chủ đề của quyển sách.
  • Quyển sách này phân tích chi tiết về vấn đề gì? Tìm ra quan điểm của quyển sách.
  • Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không?
  • Ý nghĩa của cuốn sách? Tìm ra điều mình đạt được thông qua quyển sách.

    Đọc sách là việc kết hợp của từng hoạt động riêng lẻ nhưng thực hiện đồng thời với nhau. Đọc giả này sẽ đọc tốt hơn đọc giả khác nếu thực hiện nhiều hoạt động hơn và đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân và nội dung cuốn sách mà họ đang đọc.

    Nội dung của một cuốn sách là phương tiện giao tiếp giữa tác giả và độc giả. Giao tiếp chỉ thành công khi những gì tác giả viết phải đi vào lòng đọc giả với những thông điệp và ý nghĩa mà tác giả muốn gửi đến người đọc. Nội dung có thể bị hiểu sai, hiểu lệch theo những yếu tố về ngữ cảnh và hàm ý,…. chính vì vậy cuốn sách sẽ giúp bạn giảm đáng kể việc hiểu sai nội dung mà tác giả muốn truyền tải.

    Nếu trước đây bạn đọc sách một cách mù quáng, đụng đâu đọc đó, bạn có cả một tủ sách đủ đầy nhưng sắp xếp một cách lộn xộn, bạn cảm thấy sau khi đọc xong cuốn sách nào đó hôm trước là ngay ngày hôm sau không còn chút ký ức nào về nó, bạn đã từng loay hoay vài tiếng đồng hồ trong hiệu sách chỉ vì có vô số cuốn na ná nhau thì có lẽ bạn chưa nắm được phương pháp đọc sách.Vậy thì bạn không nên bỏ lỡ cuốn sách Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả! Cuốn sách này không chỉ nói lý thuyết suông mà ở mỗi chương, mỗi bài viết nhỏ trong mỗi chương ấy đều có các ví dụ cụ thể, từ những người nổi tiếng hoặc của chính tác giả nhằm thuyết phục người đọc. Nó sẽ giúp việc đọc của bạn diễn ra trật tự, ngăn nắp, lề lối và thực sự sở hữu tinh hoa kiến thức bên trong sách. 

Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiêu lưu.

Mary Pope Osborne

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *