Trong vở kịch thiếu nhi “Con chim xanh”, nhà triết học người Bỉ Maurice Maeterlinck (1862-1949) đã kể về hành trình tìm kiếm con chim xanh của hai anh em Tyltyl và Mytyl (Con chim xanh là tượng trưng cho sự hạnh phúc).
Trong mơ, hai anh em đến thăm xứ sở Ký Ức, vương quốc Tương Lai để tìm kiếm con chim. Song cuối cùng, đó không phải là nơi có con chim xanh, chỉ khi trở về nhà, chúng mới ngỡ ngàng phát hiện ra con chim xanh sống ngay trong nhà mình.
Hội chứng này ám chỉ những người luôn cảm thấy không hài lòng về cuộc sống hiện tại, luôn mơ ước về một tương lai màu hồng, nhưng lại chẳng dành ra sự nỗ lực và phấn đấu để vươn lên. Hầu hết chúng ta đều ảnh hưởng bởi hiệu ứng này, chỉ là ít hay nhiều. Ảnh hưởng nặng nề nhất của hiệu ứng này là đưa con người ta đến trạng thái trầm cảm hoặc tuyệt vọng. Điều phổ biến hơn mà chúng ta thường thấy ở nhiều người trẻ đó là khi họ đang làm một công việc thì luôn tìm kiếm công việc trong mơ, kết quả là họ nhảy việc liên tục, nhảy mãi, nhảy mãi,…
Một số bạn trẻ không ngừng tưởng tượng về bản thân và cho rằng “sự đặc biệt” của bản thân vẫn còn ở đâu đó mà tại công ty này, mình chưa thể phát hiện ra. Bất chấp những suy nghĩ đó là không có cơ sở, họ vẫn chọn chuyển việc, chuyển nghề. Nhiều bạn thậm chí còn quay lại trường học để tìm kiếm “chú chim xanh”.
Rồi không lâu sau đó, cảm giác bất mãn lại quay lại, họ tiếp tục chuyển hướng đi tìm “chú chim xanh” ở một nơi khác.
Có mục tiêu rõ ràng và quyết tâm theo đuổi lý tưởng đến cùng là điều tốt nhưng chúng ta thường không phân biệt được thực tế và sự mù quáng.
TẠI SAO CHÚNG TA NÓI VỀ CHIM XANH CỦA NGƯỜI TRẺ CHỨ KHÔNG PHẢI CHIM XANH CỦA NGƯỜI GIÀ?
Tuổi trẻ là tuổi của những mơ mộng và hoài bão, chúng ta thường nghĩ về cuộc đời đầy màu hồng. Chúng ta đã từng thủ khoa trường làng, đậu trường đại học hàng đầu Việt Nam, chúng ta phải có mức lương khởi điểm 2000$. Khi đi xin việc, lão giám đốc chỉ trả ta có 3 triệu bạc. Tối về ta nghĩ:”Lão không biết dùng người, lão sẽ hối hận”. Một năm sau, công ty lão tăng thêm 100 người, còn ta vẫn đi tìm một công ty xứng tầm với mình.
Đó là một ví dụ điển hình, sát với những gì hàng ngày chúng ta gặp. Cộng thêm việc các công ty nhân sự ngày ngày thổi vào đầu chúng ta những cơ hội và mức lương trên trời. Làm sao người trẻ có thể không nghĩ đến vương quốc Tương Lai.
NHÌN VÀO THỰC TẾ
Tôi có quen một ông anh làm nhân sự. Trong một buổi nhậu, hai anh em có trao đổi về chủ này. Với kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều người trẻ, anh ấy chỉ ra rằng: những bạn trẻ nào khi mới đi làm mà quá kỳ vọng vào một công việc tốt, mức lương cao thì khả năng thăng tiến không xa. Bởi lẽ, họ không chú trọng vào làm việc, họ cũng chẳng chú trọng vào việc tạo giá trị cho công ty, xã hội. Những bạn này hoặc không leo xa, hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc là tự cảm thấy chán nản với công việc và đi tìm con chim xanh khác.
Ngược lại, những bạn nào khi mới đi làm, đặc biệt chú trọng vào chuyện học hỏi kinh nghiệm, nỗ lực hết sức mình. Và hơn hết là sẵn sàng nhận trách nhiệm ở rất nhiều vị trí không có trong mô tả công việc, sẵn sàng làm cả những việc “không phải của mình”, sẵn sàng kiên định trên con đường mình đi, chấp nhận thử thách, gian khổ. Sau khoảng 2~5 năm, bạn ấy tiến rất nhanh và có thể nắm những vị trí quan trọng trong công ty.
Hội ứng chú chim xanh có thể nói gần gũi hơn, đó chính là tư tưởng “Đứng núi này trông núi nọ” hoặc “ruộng nhà hàng xóm nhiều nước hơn ruộng nhà mình”. Nghĩa là khi đi cày, người nông dân luôn thấy ruộng nhà mình cọc cằn hơn ruộng nhà hàng xóm. Tuy nhiên, khi sang nhà hàng xóm cày, họ mới thấy ruộng nhà vẫn hơn ruộng hàng. Vậy cho nên, không phải “ruộng hàng xóm nhiều nước hơn” mà “ruộng sẽ nhiều nước nếu chúng ta bơm đều”