Cách đây độ 2 thập kỷ trước, tôi, khi đó là một thằng bé nít nhít vài tuổi danh nhưng lại là hổ báo lớp mẫu giáo lúc bây giờ. Việc chả có gì lạ khi mẹ tôi là giáo viên mẫu giáo ở trường làng, tuy vậy không có nghĩa là bà không nghiêm khắc với tôi, việc tôi hay gây sự đánh các bạn hay bỏ học ở nhà đi chơi đã ăn vào máu và với tư duy của một đứa bé chỉ vài tuổi thì việc đó chả có gì phải sửa đổi cả. Mẹ có đánh, thậm chí chói gốc cây cũng chỉ được 1 vài ngày, và sau đó đâu lại hoàn đấy. Mọi việc không có tiến triển gì cho tới tận lúc tôi học hết cấp 1. Suốt gần 5 năm trời mẹ tôi phải chịu đựng tính nghịch ngợm của tôi, thi thoảng mẹ lại bị thầy cô giáo gọi lên trường vì tôi đánh bạn nào đó sứt đầu mẻ chán hoặc chốn học, rủ bạn đi chơi.
Menu
Cơ duyên đến với sách
Thế rồi năm 2004, khi đó tôi vừa hết lớp 5, mẹ quyết định cho tôi lên học ở trường điểm của huyện với hy vọng con sẽ bớt ngỗ ngược hơn. Trước khi đi học, mẹ luôn doạ tôi đủ thứ về ngôi trường mới, từ việc nhà trường nghiêm khắc, thầy cô nghiêm khắc, tới cả việc nói bậy một câu sẽ bị cho thôi học. Vì không muốn bị xấu mặt khi bị đuổi nên tôi cũng cố theo. Trường lớp nói chung là chán, bạn mới, thây cô mới, phải đi học xa hơn, thực sự là khủng hoảng.
Kỳ học đầu tiên của tôi dần qua và môn học tôi thấy yêu thích là môn Lịch sử, thầy giáo rất trẻ, giảng rất hay và cuốn hút. Vậy là sau giờ học, tôi thường xuống thư viện của trường lân la mượn sách lịch sử đọc. Ban đầu là các cuốn để học tốt Lịch Sử, hơi nhàm chán 1 chút nhưng nó cũng giúp tôi thành ngôi sao trong giờ Lịch sử. Tôi bắt đầu đọc tiếp các cuốn về Lịch sử thế giới, có 3 tập của Nhà Xuất Bản Giáo Dục. Oài, đúng là một bầu trời tri thức. Sau khi đã không còn vướng bận gì trong giờ Lịch sử nữa, tôi bắt đầu đọc các cuốn sách khác như 3 vạn câu hỏi vì sao, Thuỷ hử, Thép đã tôi thế đấy, Vật lý lý thú, Truyện cổ Andersen, Danh nhân đất việt…. Cứ mỗi khi rảnh là tôi lại xuống thư viện mượn sách đọc, vì mỗi người chỉ được mượn 1 cuốn trong 1 tuần nên hầu như tuần nào tôi cũng cố đọc xong 1 cuốn sách, cuốn to quá thì trả rồi mượn lại, có tuần còn nhờ cả mấy đứa bạn của tôi mượn hộ sách. Không biết từ bao giờ, việc đọc sách trở thành thói quen của tôi. Cứ như thế, trong 2 năm lớp 6 và lớp 7 tôi đã đọc được ngót trăm cuốn sách trong thư viện. Rồi một ngày mẹ tôi nói với tôi rằng, mẹ rất vui vì từ ngày lên trường huyện học, con không còn ngỗ ngược, đánh nhau hay quậy phá nữa. Thực tế thì mỗi tuần đọc một cuốn sách, với lịch học dày đặc thì tôi có muốn cũng không có thơi gian mà quậy.
Quãng thời gian gián đoạn việc đọc.
Như bao cậu trai khác, lứa tuổi Cấp 2 đầy tò mò về thế giới xunh quang, và đặc biệt mê thích Game. Tôi bắt đầu chơi Game vào cuối năm lớp 7, và suốt từ đó cho tới tận hết lớp 12. Nhưng việc chơi Game chỉ là 1 phần nhỏ, cái làm tôi hứng thú nhiều hơn, dẫn tới việc bỏ bê việc đọc sách đó là máy tính.
Việc tìm hiểu máy tính nhiều khiến cho không chỉ việc đọc sách bị gián đoạn mà còn ảnh hưởng tới cả kết quả học tập trên lớp của tôi. Từ đó trở về sau, tôi không bao giờ được danh hiệu học sinh Giỏi nữa, năm nào cũng chỉ trung bình và khá. Tất nhiên bố mẹ có biết nhưng do tôi chỉ chú tâm vào tìm hiểu máy tính chứ không chơi bời gì nên cũng không phàn nàn gì nhiều lắm.
Mọi việc cứ diễn ra y như thế cho tới khi hết cấp 3.
Trượt đại học và bắt đầu đọc Self Help
Với thành tích học tập bết bát từ cấp 2, do đó tôi cũng khá nhọc nhằn lết lên Phổ Thông. Những năm phổ thông khá vui, vì không phải học tập áp lực như Cấp 2, vừa không bị quản lý nghiêm như trường Cấp 2, vừa được chơi Game mà không bị nhà trường cấm như Câp 2. Nói chung, cuộc đời cấp 3 đẹp như mơ, ngoài việc học dốt. Vậy nên khi chia tay cấp 3 bọn nó mới hay khóc lóc như vậy đấy. Vui mà.
Tất nhiên làm gì thì cũng phải trả giá, vì vui qúa mà quên mất việc học, nên tôi trượt Đại Học Bách Khoa, một trường mà tới giờ nếu cho tôi vào học thì tôi cũng sẽ vẫn đi học. Đấy là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thất bại một điều gì đó. Ở nhà nghe mắng chửi, rèm pha cũng chán nên tôi nghe mẹ, khăn gói đi học Nguyện Vọng 2.
Lần này, tôi muốn chứng minh cho bố mẹ thấy là, dù có trượt đại học thì sau này con cũng sẽ thành công thôi. Cộng thêm việc tìm hiểu khá nhiều về các Tỉ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg nên tôi quyết định đi tìm các sách Self Help để đọc. Tôi dành tiền mà người thân cho khi lên đại học để mua sách làm giàu của Adam Khoo. Những cuốn như Tay trắng trở thành triệu phú, hay Bí quyết xây dựng cơ nghiệp bạc tỉ, vân mây… do hồi đi học có đọc cuốn Tôi tài giỏi bạn cũng thế của Adam Khoo nên biết vài cuốn thế này.
Sau khi đọc xong những cuốn đó, tôi thấy làm giàu khó bỏ mẹ, không như sách viết tẹo nào. Xã hội của mình khác của "nhà người ta" quá. Các ví dụ trong sách thực sự vô dụng với tôi. Còn chứng khoán ư? Tiền xin mẹ 1 tháng ăn còn chả đủ, tiền đâu chơi chứng khoán, và lại mình thì tù tịt.
Còn một cuốn Đắc Nhân Tâm, thôi thì đọc nốt. Có lẽ đây là cuốn có ích cuối cùng trong đám sách mà tôi mua. Một số thứ thì ổn, một số thứ không. Tôi không mấy tôn sùng cuốn sách này như mọi người vẫn tôn sùng nó. Có rất nhiều trò lừa xung quanh những cuốn Self-help, vậy hãy cẩn thận khi đọc chúng, đừng áp dụng một cách u mê. Sau này, khi tìm hiểu về Tư duy phản biện tôi nhận ra nhiều sự áp đặt trong Self-help.
Sau khi nốc hết đống sách Self Help trên, tôi nhận ra rằng, vốn của mình không có gì cả, vậy chỉ còn cách học để lấy vốn. Với ý tưởng là mình sẽ lập trình ra một thứ gì đó và Startup với nó nên tôi tập trung vào học lập trình và tạm gác việc đọc sách lại, năm thứ nhất đại học cũng qua đi.
Những năm tháng đọc sách Lập trình.
Từ năm thứ 2 đại học, tôi chú tâm vào đọc sách về Lập trình, từ tây cho tới Tàu. Sách về chuyên ngành lập trình không những khó mà còn nhiều. Tôi sưu tập cả chục GB sách đủ thể loại về Coding, nhưng tựu trung, một năm đọc không quá 5 cuốn trong số đó. Việc đọc sách lập trình bắng tiếng Anh khiến cho việc đọc hiểu của tôi tiến bộ nhanh chóng. Chả mấy chốc tôi không thấy ngán bất cứ cuốn sách chuyên ngành lập trình nào. Hồi làm đồ án tôi cũng đọc khá nhiều cuốn khó nhằn về thiết kế phần mềm như Domain Driven Design, OOP Design, Design Pattern… của Adision Wiley, một nhà sách khá khó nhằn về chuyên môn. Kinh nghiệm của tôi khi đọc sách về Lập trình là kiếm một cuốn để đọc từ đầu tới cuối, sau đó tìm các cuốn cùng chủ để để đọc lướt xem có gì mới hay bổ sung cho cuốn cũ không. Mỗi ngày đọc thì kiến thức lại một tăng, và tốc độ đọc của tôi cũng tăng dần. Tôi cảm thấy tốc độ học mọi thứ ở mức sâu cực kỳ nhanh, có rất nhiều công nghệ tôi có thể thành thạo chỉ trong vài ngay, mà người khác phải mất 1-2 tuần hoặc hơn. Ngẫm lại tôi thấy rằng, việc đọc và nghiên cứu là hoàn toàn có thể luyện tập được, tốc độ là nhờ duy trì. Có người nghĩ là tôi thông minh hoặc có một phương pháp thần thánh nào đó trong việc học. Không, chỉ là "cần cù thỉ bù thông minh" thôi, và tôi nghĩ là mọi thứ đều có thể học được.
Sách nghiên cứu, quản trị, khởi nghiệp… hầm bà lằng.
Từ lúc đi làm cho tới nay là gần 3 năm, tôi bị nhiễm "thói đọc sách" của một số người. Tôi cũng lập Plan cho việc đọc, dù không thương xuyên nhưng trong năm 2016 và 2017 tôi cũng đọc cỡ 30 cuốn sách mỗi năm.
Nhưng, quan trọng nhất của việc đọc đó là đọc có mục đích. Tôi phải thú thật là phân nửa việc đọc của tôi là không có mục đích, là giết thời gian, là để duy trì thói quen đọc. Tôi có thói quen là mua các cuốn sách mới xuất bản về đọc. Sách nào HOT là tôi mua về đọc, mỗi năm rồi tôi mua cỡ 3-4tr tiền sách 1 năm. Có nhiều cuốn từ lúc mua tới giờ là 1 năm tôi cũng chưa đọc. Tôi cũng hay mượn sách của mọi người đọc, sách của công ty… mỗi khi đọc 1 cuốn sách mới, tôi lại chia sẻ cho những người xung quanh, hoặc lấy 1 cuốn sách mà tôi chưa đọc để tặng cho một vài ông trong công ty mà tôi nghĩ chắc các ông ấy sẽ có hứng thú đọc nó.
Các thể loại sách mà tôi đọc trải khá dài về thể loại, không cố đinh hay chuyên sâu. Thi thoảng tôi đọc về khởi nghiệp, tự truyện của người nổi tiếng, thi thoảng lại đọc về bán hàng, marketing, quản trị, đôi khi là các tác phẩm nghiên cứu tâm lý, hành vi hoặc triết học… Tuy rằng mọi thứ trong sách không thể đầy đủ hoặc không phải là lĩnh vực mà tôi làm nhưng mỗi khi gấp trang cuối của cuốn sách lại, tôi thấy kiến thức của mình ngày một tăng, khả năng tư duy và giải quyết các vấn đề trong xã hội của tôi tốt hơn và tôi giúp tư vấn được cho nhiều người hơn.
Tôi thấy rằng, mỗi cuốn sách là một bài học giá trị của cuộc sống. Dù là sách gì, thì tác giả có thể đã bỏ cả năm thậm chí cả chục năm tâm huyết mới viết ra được, trong khi ta chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần để thu lượm lượng tri thức đó, vậy tội gì mà không đọc.
Khi sách là tiêu trí đánh giá con người.
Tôi không cho rằng người đọc nhiều sách sẽ là người tốt hay người giỏi, nhưng tôi đánh giá cao những người ham đọc sách. Vậy nên, mỗi khi phỏng vấn các ứng viên tới tuyển dụng, tôi hay có câu hỏi "Em thường làm gì khi rảnh?" hay "Em có hay đọc sách khi rảnh không?", "Em kể tên một cuốn sách mà em đã đọc gần đây nhất?". Tôi sẽ đánh giá cao những ai trả lời "có", vì trong công việc của tôi, hay ngành nghề mà tôi đang làm, đọc sách và nghiên cứu là yếu tố quyết định việc bạn có thể trở thành một người giỏi hay không. Có thể hiện tại bạn khá giỏi rồi, nhưng không đọc sách thì bạn sẽ sớm bị lạc hậu về tư duy, chưa nói tới các kỹ năng khác.
Đọc nhiều, nhưng đừng làm mọt sách.
Có một thời gian tôi dành phần lớn thời gian thức để đọc sách, thậm chí chiếm dụng cả thời gian làm việc cho việc đọc. Vì thế mà hiệu quả công việc của tôi bị giảm sút, đầu óc của tôi lúc đó cũng đang bay bổng theo các cuốn sách. Việc áp dụng những kiến thức từ sách vào thực tế có thể là một khoảng cách khá xa, nhiều cuốn cách không phải là sách hướng dẫn hay Step by step, nó cần cả một quá trinh tư duy và nghiền ngẫm nhiều tháng thậm chí nhiều năm và phải có trải nghiệm mới có thể hiểu hết được. Vậy nên, hãy đọc sách nhưng đừng để nó chiếm trọn tâm trí bạn, đừng để nó gây ảnh hưởng tới công việc chính của bạn. Luôn luôn nhớ sách là để tham khảo, không phải đồ ăn, mà nếu có là đồ ăn thì ăn nhiều cũng không bao giờ là tốt.
Biển Hoàng.