TRONG MẮT NGƯỜI NHẬT NGƯỜI VIỆT LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRỘM CƯỚP

Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số người Việt bị bắt vì phạm tội trộm cắp trong siêu thị ngày càng gia tăng, chiếm tới 40% những vụ người nước ngoài trộm cắp tại Nhật Bản. Qua thống kê từ lực lượng an ninh Nhật Bản, thì cứ 5 kẻ ăn cắp lại có một người Việt Nam. Việc người Việt có những hành động không tốt như vậy sẽ chỉ mang lại những ánh mắt ái ngại, khinh bỉ của người bản địa, bạn bè các nước trên thế giới. Vậy lý do gì đã khiến vấn nạn ấy tăng cao như vậy? Và tại sao tỉ lệ người Nhật trộm cắp lại rất ít, trái ngược hoàn toàn với người Việt, phải chăng là do sự khác nhau về tinh thần tự trọng giữa hai dân tộc làm cho sự chênh lệch ấy trở nên quá cao. Ngay bây giờ, hãy cùng tôi nhâm nhi ly trà, và cùng tản mạn về cuốn sách “Khuyến học” để thấy được những điều tạo nên sự khác biệt đáng kính nể về văn hóa của con người Nhật Bản ngày nay.

1.Trời không tạo ra người đứng trên người

Người đàn ông trong đồng tiền này là Fukuzawa Yukichi, tác giả của cuốn sách mà chúng ta đang tìm hiểu, là người đã thổi hồn và khai sáng nhận thức cho nền giáo dục nước Nhật thời hiện đại. Phải chăng ông ta là quan chức cấp cao ư? Hay là một chính trị gia đầy uy quyền? Bằng cách nào mà ông ta lại có tầm ảnh hưởng quan trọng và vĩ đại đến nước Nhật như vậy. Không như những gì bạn nghĩ, ông ấy là một người vô cùng bình thường, với xuất thân bình thường, và vai vế cũng không quá lớn trong xã hội Nhật lúc bấy giờ. Thật đáng ngạc nhiên phải không! Sở dĩ ông được người đời ca tụng là bởi những nhận thức hoàn toàn thiết yếu và đi trước thời đại của ông với đất nước Nhật thời điểm đó. Một nhận thức rất mới, rất sát với thực tế, chính nhận thức đó đã góp phần tạo nên sự thay đổi cho nền văn hóa nước Nhật mà hiện giờ cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trước nền văn hóa ấy.

Mở đầu cuốn sách, Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh rằng con người sinh ra đều có những quyền lợi như nhau, chỉ khác nhau về điều kiện sống và cách học vấn. “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Vì thế, có thể nói rằng: người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc, người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ. Đối với người Nhật, không có gì đáng nhục nhã bằng sự vô dụng vì thiếu hiểu biết hay vì lười biếng.

2.Sẽ không có miếng ăn ngon nào từ tủ kiến thức

Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực học”. Ông chỉ ra rằng một tủ học vấn chỉ như cái đục, cái cưa – những công cụ không thể thiếu trong nghề làm mộc. Nhưng nếu chỉ biết gọi tên của những thứ đó mà không có tư duy, không biết cách đóng bàn, ghế, giường tủ,… thì không thể gọi là thợ mộc được. Cũng như vậy, người biết chữ không thể gọi là người có học vấn nếu không biết cách lí giải, không hiểu biết đầy đủ đạo lý của sự vật. Chúng ta gọi đó là những “tủ kiến thức” suông, hoàn toàn vô dụng, không đem lại được giá trị đáng giá nào cho cuộc sống.

Thêm một điều nữa mà tôi thấy hóm hỉnh trong tác phẩm, đó là phê phán của tác giả với những lý luận cổ hủ trong Luận ngữ, những điều mà từ trước nay những chí sĩ đã từng răm rắp nghe theo, lại bị phủ nhận một cách vô cùng thẳng thắn, như truyện Nhị thập tứ hiếu của Trung Quốc kể rằng trong đêm hè oi bức, thương cha mẹ nghèo, lúc ngủ không có lấy tấm màn giăng muỗi, người con bèn cởi bỏ quần áo, ở trần truồng rồi lấy rượu đổ khắp lên người để muỗi nghe mùi bâu tới đốt mình, tránh cho cha mẹ bị đốt.

Nghe thì rất thuyết phục nhưng tác giả đã chỉ ra điều vô lý trong câu chuyện, không lí nào một người có tiền để mua hàng lít rượu lại không thể sắm được một cái màn.

Chưa hết, lại còn chuyện này nữa. Nhà nọ có nhiều miệng ăn, lại phải nuôi dưỡng cha mẹ già; không lo đủ gạo, nên người con chạy vạy khắp nơi để vay thóc, vay lúa. Không vay được, cùng đường nên người con quyết định chôn sống đứa con thơ dại để bớt đi một miệng ăn, chứ nhất quyết không để ông bà chết đói. “Thứ lí lẽ gì vậy?”,tác giả đã phải thốt lên vì bất bình, phải là quỷ dữ hay là rắn độc mới có thể đi rao giảng chữ hiếu theo kiểu như vậy. Thật trái với đạo Trời, trái với tình người đến cực độ.

 

Thật ra, ý tứ sâu xa của câu chuyện như trên chỉ là nhằm áp đặt thân phận trên dưới, khuôn phép giữa các thế hệ, cố tìm mọi lý lẽ để nhấn mạnh vị thế yếu kém của thế hệ trẻ, đó là những nền tàng đạo đức cũ trong xã hội phong kiến. Con người bị đóng khung theo quy định về thân phận, đẳng cấp trên dưới, sang hèn. Điều quan trọng, là con người ai mà chẳng có hiếu với cha mẹ, dù là người dưng, ai cũng đều phải lễ phép, huống chi là đối với cha mẹ đẻ. Tình cảm đó không vụ lợi, không vì danh dự, mà đó là tình cảm rất đỗi tự nhiên, xuất phát từ quan hệ cha mẹ con cái.

3.Người chịu thiệt thòi nhất là kẻ vô học- không có gì đáng sợ hơn là ngu dốt

Trong xã hội có không ít những kẻ lười biếng, thất học, cái thiện cái ác cũng không phân biệt nổi, chỉ biết ăn xong rồi ngủ, “vô công rồi nghề”. Không những thế, thường đã ngu dốt lại còn tham vọng, tìm mọi cách lừa đảo, luồn lách luật pháp, không cần hiểu ý nghĩa của luật pháp, không cần biết đến nghĩa vụ của bản thân, chỉ biết đẻ thât nhiều con nhưng lại không hề chăm sóc dạy dỗ chúng.

Tác giả gọi đó là những kẻ ngu dốt không biết xấu hổ và con cái của họ khi lớn lên cũng chẳng có ích gì cho đất nước, trái lại chỉ là gánh nặng, nỗi khổ cho xã hội, Xã hội mà toàn nhũng con người như vật thì có đem đạo lí ra giảng giải cũng vô ích, chỉ còn cách buộc phải làm là dùng sức mạnh để răn đe những hành động bạo lực, hành vi quấy phá, phá rối mà thôi. Và đó cũng là lí do cho các chính phủ chuyên chế, độc tài được thể tồn tại trên thế giới.

 

4.Học để hiểu “thế nào là làm tròn công việc của mình”

Ở Nhật dưới thời Mạc phủ, giữa tầng lớp võ sĩ và tầng lớp người dân có sự phân biệt sâu sắc, Võ sĩ thì ra sức lộng quyền, coi người dân như kẻ tội phạm, thậm chí chúng còn áp đặt luật “chém trước xử sau” lên người dân, chỉ cần chúng thấy bất kì người dân nào có thái độ trái ý với Võ sĩ thì lập tức sẽ bị hành quyết tại chỗ. Những việc bất công như vậy sẽ còn tồn tại mãi cho đến khi nào hai phía nhân dân và giới cầm quyền đều thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm mỗi bên. Nộp thuế, làm theo pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhân dân. Thu đủ thóc thuế, sử dụng đúng nguồn tài chính, bảo vệ dân là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính phủ. Nếu cả hai bên đều làm đúng theo bổn phận của mình, chính phủ không làm phiền nhân dân và dân cũng không làm phiền chính phủ, từ đó sẽ không còn cảnh “cùm chân, cùm tay” về tinh thần và vật chất.

Cuối cùng, điều mà tác giả muốn nhấn mạnh đến độc giả rằng mọi người đều bình đẳng về tư cách và quyền lợi, và không quên nhấn mạnh ý nghĩa của một nền học vấn mới. Qua tác phẩm, độc giả sẽ hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô “ăn nhờ ở đậu”, nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành “quốc dân” của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh ngày nay.

Vậy làm thế nào để trở thành một “quốc dân” Việt Nam đây? Cá nhân tôi sau khi đọc hết tác phẩm thì mới chợt nhận ra rằng, những hình ảnh minh họa cho những thói hư tật xấu của quốc dân mà tác giả đưa ra dường như ẩn hiện đâu đó bóng dáng của chính mình vậy. Chính điều đó khiến tôi tự thấy xấu hổ với bản thân. Mặc dù trong Kuzukawa Yukichi đề cập đến hiện trạng xã hội Nhật cách đây hơn một trăm năm, nhưng khi đọc, cứ ngỡ như ông đang ám chỉ xã hội Việt Nam thời hiện đại, ám chỉ đến ai đó trong chúng ta ngồi đây, liệu tôi và bạn, có đang và sẽ trở thành những người bị ám chỉ đến hay không? Liệu chúng ta đang sống và làm việc có như một quốc dân hay chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu như tác giả phê phán hay không? Tôi tin chắc rằng, sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ có được nguồn động lực cực kì to lớn khiến bạn phải khao khát được cống hiến và sẽ không chỉ trở thành một “quốc dân” chính hiệu mà còn là một quốc dân “xịn” của đất nước nữa đấy.

2 Replies to “TRONG MẮT NGƯỜI NHẬT NGƯỜI VIỆT LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRỘM CƯỚP

  1. Bài viết này hơi phiến diện. Người đọc không hiểu sẽ nhầm tưởng rằng nước Nhật đã rất tốt, rất xịn từ xa xưa. Tôi phải đính chính lại chút.

    Thực tế ra, nước Nhật cũng có những thời kì kinh hoàng. Cũng có những lúc trộm cắp như rươi, xã hội đen như nấm, không khí ô nhiễm, chất độc khắp cả nước. Cũng có những con người màn trời chiếu đất, chết không biết kêu ai, thấp cổ bé họng bị đày đọa. Cũng có những lúc đừng tắc như nêm, xe bấm còi inh ỏi…. Cũng có những lúc, sinh mệnh nhân dân chỉ là công cụ trong tay nhà cầm quyền hòng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, đưa đất nước về nguy cơ diệt vong có thật.

    Ngày nay, nước Nhật của nhà người ta khác rồi. Người ta có quyền chê trách thiên hạ (người ta đúng). Thành công ngày nay của nước Nhật hẳn là có phần đóng góp không nhỏ của những nhà tư tưởng như ngài Fukuzawa Yukichi, nhưng không thể không kể đến những thuận lợi đặc biệt mà chỉ nước nhà người ta mới có. Từ thời bác Châu PB, nước Nhật đã là một nước giàu mạnh, phát triển rồi.

    Nước người ta vậy, chứ nhà mình không phải là con nhà điều kiện. 1000 năm đô hộ giặc tàu, 200 đô hộ giặc tây, 30 năm chiến tranh loạn lạc. Đầu có Trung Hoa, nách có Mỹ, lởn vởn còn có dăm ba kẻ chọc ngoáy.

    Cái thằng ngu, cái thằng nghèo, thường sinh ra các tật xấu bẩn dễ thấy. Người ta sang nước khác ăn trộm thì khuân cả kho vàng, còn mình chỉ ăn trộm mỗi cái bó rau thôi.

    Tóm lại, cái tư tưởng của ông già in trên đồng tiền thì nên tham khảo. Chứ chuyện nước nhà người ta thần thánh thì thôi anh chị em ạ.

  2. Cám ơn độc giả đã phản hồi thẳng thắn, cá nhân mình cũng thấy được tiêu đề tuy có tiêu cực một chút, nhưng qua thông điệp “người khác nghĩ ta như thế nào”, mình hi vọng rằng tất cả những người đọc qua bài viết này sẽ tạo được 1 làn sóng tự tôn mạnh mẽ để đẩy lùi những thành phần ý thức chưa tốt, những bộ phận tiêu cực mà mình nhắm đến trong bài viết và cũng đồng thời khơi dậy lòng quyết tâm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước ta để tránh những hành động “túng quá làm liều” như thế, một hi vọng hơi xa và có phần khách quan một chiều, nhưng dù chỉ 1 khía cạnh nhỏ, mình cũng muốn khai thác và tận dụng để tác động được đến độc giả không chỉ nắm được tình hình nhức nhối của xã hội hiện nay mà còn có thể tự nhìn nhận 1 cách đa chiều và sâu sa hơn thế nữa. Đó là điều mà mình luôn mong chờ ở chính các bạn.
    Mặt khác, với sự so sánh “người ta” và “nhà mình”, mình nghĩ đất nước nào cũng có những nỗi thống khổ riêng, đều có những cơ hội riêng, những mặt tích cực và tiêu cực riêng, Nhật và Việt đều có, nhưng những cái hay và tốt ở nước bạn hiện tại thì có lẽ không thể phủ nhận được, vì đó là giá trị cốt lõi tạo được uy tín của họ trên khắp thế giới, và người Việt mình thì lại đang rất thiếu những điều đó. Vậy nên, dù cho sự so sánh của mình có phần khập khiễng như độc giả nhận xét, nhưng bù lại mình muốn góp 1 phần tạo thêm nguồn đông lực cho đồng bào chúng ta cùng nhau xây dựng một nền văn hóa văn minh hiện đại và đáng tự hào cho đất nước ta trong tương lai. Mong rằng các bạn sau đọc qua tiêu đề “ngông cuồng”, 1 nội dung đầy tính khách quan như vậy, sẽ hiểu được phần nào những tâm tư và thông điệp mà mình muốn được gửi gắm qua bài viết này.
    Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp của các bạn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *