Tôi từng tham dự nhiều buổi phỏng vấn, nhưng buổi phỏng vấn để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là buổi phỏng vấn đầu tiên trong đời mình. Sau đây, tôi xin thuật lại cho các bạn.
Đó là một hôm đẹp trời, tôi mặc áo sơ mi trắng, quần âu, đi giầy. Tôi vào phòng họp trước chỉnh trang bàn ghế, dọn dẹp lại dây điện luộm thuộm từ buổi họp trước đó. Tôi chuẩn bị nước sẵn cho ứng viên. Sau đó, tôi chuẩn bị sẵn vài đôi dép đẹp để ứng viên tiện mặc trong văn phòng. Ngắm nghía kĩ, tôi bèn lấy vài cái ghế và đôi cuốn sách cho ứng viên ngồi chờ (sau này tôi còn chuẩn bị cả hướng dẫn phỏng vấn và in tạp chí của công ty cho ứng viên đọc). Tôi đọc lại CV của ứng viên, gạch chân những điểm cần tìm hiểu kĩ. Các bạn và các chị già luôn miệng khen tôi đẹp trai và lịch sự hơn mọi ngày, còn các em gái xinh đẹp thì công ty tôi không có nên tôi cũng không rõ.
Tôi không vào đúng giờ cùng ứng viên mà thường để ứng viên chờ ít phút và quan sát thái độ và hành động của ứng viên khi đợi. Tôi cũng để ứng viên ngồi ở vị trí mà mọi người trong công ty đều quan sát được để có thêm nhiều ý kiến đóng góp.
Khi ứng viên tới, tôi tự mình mở cửa, mời ứng viên vào, hướng dẫn họ mặc dép, mời ngồi, mời nước, hướng dẫn đọc tài liệu. Quan trọng nhất là phải nhìn vào mắt ứng viên, tươi cười để họ bớt lo âu hồi hộp. Khi ứng viên ngồi vào phòng phỏng vấn, tôi cũng luôn tươi cười, chủ động mời họ ngồi, giới thiệu bản thân mình trước, đùa vài câu cho bớt căng thẳng rồi mới bắt đầu phỏng vấn. Dù sao, với tôi, lần đầu tiên cũng hơi căng thẳng.
Vài tuần trước, sếp có gọi tôi vào phòng họp và bảo: Lần này em và anh x, y, z sẽ phỏng vấn ứng viên, anh bận. Tôi giả vờ từ chối, nhưng thích lắm. Nên tôi đã dành một tuần tìm hiểu rất kĩ về việc phỏng vấn. Tôi đọc 10000 câu hỏi thường dùng trong phỏng vấn, Nhân tướng học, Không thể bị lừa dối, ngôn ngữ cơ thể và khoảng 5 đầu sách khác không nhớ hết tên để chuẩn bị về kiến thức. Tôi cũng thử luyện kĩ năng phỏng vấn với đồng nghiệp để xác định suy nghĩ của họ dựa vào động tác mà họ đang thực hiện (thay vì lời nói).
Việc phỏng vấn, cũng giống như tìm vàng giữa cát. Không quan trọng bạn hỏi điều gì mà quan trọng nhất là điều bạn muốn biết là gì. Luôn có mấy điều mà ta nhất định phải biết đối với người mà ta dự kiến sẽ làm việc với gồm: Toán, Văn, Anh, Đạo đức. Lập trình là điều tuỳ chọn, đôi khi giỏi lập trình mà không giỏi những điều kia thì cũng không dùng được.
Toán là năng lực xử lí vấn đề, tư duy logic. Khả năng diễn giải từ giả thiết đến kết luận. Người làm toán giỏi thường toát lên vẻ lanh lợi trong ánh mắt, trán cao, sáng mà không dô. Chóp tóc ăn ra phía ngoài, tai to nhưng cân đối. Họ có thể nhanh chóng xử lí các vấn đề về logic trong lập trình. Hiểu nhanh chóng các khái niệm về số hoặc công thức mà chưa tiếp cận bao giờ. Ví dụ như có 3 cái cốc, làm thế nào để đổi dầu từ cốc thứ nhất sang cốc xăng thứ hai.
Văn là năng lực trình bày, diễn đạt vấn đề, cách sử dụng tiếng Việt để giao tiếp. Lời lẽ đa dạng, từ ngữ phong phú, viết lách đúng chính tả, dấu chấm, phẩy hợp lí. Nói năng gẫy gọn, đi vào vấn đề. Người giỏi văn thường phát âm rõ, nói vừa nghe, không lí nhí, không nói ngọng, nói lắp. Mũi to, gọn, miệng tươi. Khi dùng từ, họ nói rất đơn giản, từ ngữ phong phú, tay chân hoạt bát, ngương mặt biểu cảm khi nói chuyện.
Anh là năng lực ngoại ngữ, tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, tuỳ điều kiện. Nếu năng lực tiếng Anh kém chứng tỏ năng lực tiếp cận kiến thức rất yếu, cần bồi bổ. Người giỏi ngoại ngữ hoặc có năng lực giỏi ngoại ngữ thường giỏi văn, nói năng lựu loát, hoạt bát, hướng ngoại, dễ gần.
Đạo đức là vấn đề phức tạp, thường tuỳ quan điểm từng người. Tôi thích những người ham mê công việc, sống có sở thích, đam mê riêng (phượt, từ thiện, đọc sách, chơi cờ, guitar…). Luôn nhiệt tình với cuộc sống, suy nghĩ tích cực, yêu ghét rõ ràng, luôn chân thành và giúp đỡ người khác, không lừa dối, trộm cắp, nói xấu người khác… Người như vậy thường là lớp trưởng, lớp phó lao động trong lớp, ít khi là con út trong gia đình, hiểu rõ công việc của bố mẹ, anh chị em họ hàng và thường xuyên có hoạt động giúp đỡ mọi người.
Trong buổi phỏng vấn, tôi thường chia thành ba giai đoạn chính: đầu tiên là phá băng, tôi sẽ nghĩ cách để ứng viên nói thật nhiều về họ và bản thân họ, thường nhờ họ giới thiệu về bản thân và công việc. Sau đó là tìm hiểu (không khí cần thoải mái) và gây áp lực, mục đích là để họ bộc lộ hết tất cả các ưu khuyết điểm của bản thân trong các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Cuối cùng là hoà giải và làm thân, thường là làm quen, tâm sự chuyên gia đình, công việc hoặc tư vấn định hướng nghề nghiệp.
Theo tôi nghĩ, cần tránh mấy vấn đề sau khi phỏng vấn:
– Không tranh luận đúng sai với ứng viên, mọi câu trả lời của họ mình cần cảm ơn.
– Không nói ra điều mình cho là đúng, trừ khi bắt buộc.
– Không ngần ngại khi hỏi, mọi điều đều có thể hỏi được, nếu biết cách hỏi khéo léo khiến người khác trả lời, không có gì thuộc về con người mà riêng tư với nhà tuyển dụng.
– Cần gây sức ép cho ứng viên, không để họ quá thoải mái. Cũng không nên để họ căng thẳng quá độ.
Những điều sau tôi khuyến khích ta nên làm:
– Tư vấn giới thiệu việc làm (cho công ty khác).
– Định hướng công việc.
– Đào tạo về năng lực giao tiếp và kĩ thuật.
Sau buổi phỏng vấn đầu tiên, qua vài lượt phỏng vấn, tôi đã chọn được một ứng viên mà đến giờ vẫn tiếp tục làm việc với tôi sau 5 năm gắn bó. Đó là ứng viên duy nhất của buổi phóng vấn can đảm vẽ lên bảng mô hình MVC.
Đó là một ngày không thể nào quên trong cuộc đời của tôi, tôi đã được gặp nhiều người, hiểu nhiều chuyện, nói nhiều việc và động viên được nhiều bạn. Tôi đã tự hứa với mình, sẽ luôn cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để ngày càng xứng đáng với những gì mình được giao phó.