Chúng tôi, những con người nhiệt huyết, hết mình vì công việc đang trên những bước đường đầu tiên để tạo dựng team QA thêm vững chắc. Nhưng như câu hát quen thuộc, trong bài hát “Đường lên đỉnh vinh quang” – “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.”… Và những members của team QA chúng tôi – những con người cũng đang gặp không ít khó khăn xin được đặt cho bài viết với cái tên “Góc tâm sự của DEHA's QAers”.
Team được thành lập bởi những con người có background khác nhau, người có kinh nghiệm làm việc 8 năm, có người thì mới chập chững bước ra khỏi những tháng ngày đèn sách học tập trên giảng đường đại học để tìm cho mình một chân trời mới, và còn có người hoàn toàn không có background về kiến thức IT… Vậy nên, những khó khăn mà chúng tôi gặp phải bên cạnh những điểm chung thì cũng có đặc trưng rất riêng. Khó khăn khi làm việc ở công ty mới, môi trường và phong cách làm việc mới, vấn đề khi giao tiếp và làm việc với dev team, những vấn đề của dự án, những khó khăn khi làm autotest.v.v.. là những tiêu đề cho các câu chuyện chúng tôi sắp tâm sự.
Anh Linh – một member đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương trong 7 năm, nhưng khi quyết định thay đổi môi trường làm việc, anh đã gặp phải những khó khăn và cả những niềm vui, những sự thay đổi nho nhỏ. Và dưới đây là những dòng tâm sự mang hơi hướng chủ quan từ góc nhìn và hoàn cảnh của anh, nhưng đâu đó có những người đã từng một lần quyết định thay đổi môi trường làm việc sẽ thấy bóng dáng của mình trong đó:
– Cách làm việc (automation) mới: Khi bắt đầu đi làm tại công ty, điều làm tôi lo sợ nhất lại chính là vị trí mà mình trúng tuyển vào, ví trị QA automation test. Tôi đã có vài năm kinh nghiệm khi làm QA nhưng automation thì chưa bao giờ. Được biết công ty sử dụng Behat để viết các script, tôi cũng tự tìm hiểu trên mạng nhưng mọi thứ sao rối bời quá. Tất cả các ví dụ trên mạng đều hướng dẫn 1 cách sơ sài khiến tôi không thể tự cài đặt và tôi không thể hiểu được behat sử dụng như thế nào mà ngày vào làm việc thì đang cận kề. Tôi luôn tự hỏi liệu mình có thể đáp ứng được công việc tại công ty mới không???
–>Vấn đề mà bấy lâu này vò đầu, bứt tóc cuối cùng cũng được giải quyết trong nửa buổi sáng, với duy nhất 1 ví dụ từ dự án thực cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của các thành viên khác trong team, tôi đã hiểu behat là gì, sử dụng nó như thế nào, và tôi cũng có thể sử dụng nó không quá khó khăn.
– Đồng nghiệp mới: Tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với việc giao tiếp với các đồng nghiệp khác nên tôi khá tự tin trong khoản này.
– Văn hoá công ty: Mỗi công ty đều có 1 nét văn hóa riêng biệt, không biết liệu công ty này mọi có người có làm việc trong im lặng, cả ngày không ai nói với ai câu gì không nhỉ. Nếu như thế thì thật là kinh khủng. Liệu mọi nguời ở đây có nhiệt tình tham gia các hoạt động của công ty không, hay lạnh nhạt hờ hững như công ty gần nhất của tôi.
–>Nhưng mọi người ở đây rất năng động, nhiệt tình trẻ trung (cả trẻ trâu nữa), hoàn toàn đúng những thứ tôi thích và tôi biết mình sẽ hòa nhập với mọi thứ rất nhanh thôi.
– Trải nghiệm lần đầu sử dụng máy Mac: Sau 1 khoảng thời gian dài tại công ty cũ phải sử dụng con laptop cũ kỹ từ thời đại học, tôi mong ước khi vào làm ở đây mình sẽ được sử dụng máy tính của công ty vì đã quá cái laptop của mình. Và tôi đã có máy tính riêng để sử dụng nhưng nó lại là Mac mini. Tôi chưa sử dụng máy Mac bao giờ, đến bật máy như nào cũng phải hỏi mọi nguời. Mất nửa ngày để tìm hiểu và làm quen, cuối cùng mọi thứ cũng ổn.
– Quy trình làm việc của team QA và toàn cty mới: Mọi thứ hoàn toàn mới, từ công cụ quản lý bug cho đến các buổi họp team QA. Nhưng cũng ko tốn qua nhiều thời gian để làm quen với nó. À quên còn 1 việc nữa đó là phải viết bài lên blog của công ty. Thôi chém gió thế thôi, tôi đi viết blog tiếp đây.. 🙂
Ngọc Anh – cũng giống như các bạn của mình trên ghế giảng đường, hoàn thành 4 năm đại học với chuyên ngành công nghệ thông tin và bước vào con đường công việc mình đã chọn. Nhưng những kiến thức trên giảng đường dường như không phải là tất cả hành trang cho công việc. Vì vậy mà khi làm việc nhóm, cô ấy cũng gặp phải những khó khăn về giao tiếp với dev và làm việc chung với team. Vậy làm sao để cô ấy khắc phục và giao tiếp với các thành viên trong team 1 cách hiệu quả? Sau đây là chia sẻ của cô ấy về cách làm sao để các thành viên trong team có thể giao tiếp và làm việc với nhau một cách hiệu quả nhé.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Dù làm việc một mình hay theo nhóm, bạn cũng cần luyện cho mình kỹ năng giao tiếp thì kết quả công việc của bản thân cũng như của cả nhóm sẽ đạt được mục tiêu và hiệu quả cao. Tuy nhiên khi làm việc nhóm không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Để thực hiện được các công việc chung, mình nghĩ mỗi một thành viên trong nhóm cần phải có một số các kỹ năng sau :
1. Lắng nghe và thấu hiểu
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Các thành viên trong nhóm phải biết lắng nghe ý kiến của nhau. Lắng nghe không chỉ là sự tiếp nhận thông tin từ người nói mà còn phải biết phân tích, nhìn nhận theo hướng tích cực và phản hồi bằng thái độ tôn trọng những ý kiến của người nói dù đó là ý kiến hoàn toàn trái ngược với quan điểm của bản thân. Lắng nghe còn giúp các thành viên trong nhóm hiểu nhau hơn, biết được điểm yếu của nhau để cùng góp ý sửa chữa. Do vậy, khi tham gia làm việc nhóm bạn hãy luyện cho mình kỹ năng lắng nghe nhé.
2. Bỏ qua cái tôi cá nhân của bản thân
Mình nghĩ trong công việc chung việc dẹp bỏ cái tôi cá nhân là rất cần thiết, đừng bao giờ cho rằng mọi ý kiến của mình là đúng và mình có thể giải đáp được tất cả các vấn đề. Ai cũng có những hiểu biết giới hạn ở lĩnh vực nào đó do vậy cần lắng nghe người khác nói. Khi bạn bỏ qua cái tôi của mình bạn sẽ học hỏi được nhiều kiến thức từ người khác để bổ sung cho phần kiến thức mà bạn bị thiếu. Đó là cách hoàn thiện những thiếu xót của bản thân mà bạn cần bổ sung cho mình đấy
3. Tôn trọng, giúp đỡ các thành viên
Trong cùng một nhóm các thành viên phải biết trợ giúp lẫn nhau trong công việc, nếu đồng đội của mình gặp khó khăn hãy sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ. Việc làm này sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau. Bên cạnh đó các thành viên cần tôn trọng lẫn nhau, không nên nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác, tự đề cao mình và xem thường các thành viên khác. Việc giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm chính là động lực lớn nhất để cùng làm việc và hướng tới mục đích chung cuối cùng.
4. Không quên việc HO-REN-SO
Theo mình HO-REN-SO là việc rất cần thiết trong teamwork, giả sử trong nhóm không có HO-REN-SO thì sao nhỉ? chắc chắn là sẽ có sự bất an khi thực hiện công việc của mình. Không ai biết việc mình làm, Tôi cũng không biết công việc của đồng đội tiến triển đến đâu. Không biết tiến độ tổng thể như thế nào, như vậy, thật sự làm việc nhưng có tâm trạng rất lo lắng.
Hơn nữa,
Nếu không có báo cáo -> có thể đã làm việc một cách chủ quan, tự theo ý của mình.
Nếu không có liên lạc -> có thể bạn sẽ làm những việc lãng phí, không cần thiết.
Nếu không có trao đổi -> có thể đã thực hiện một sai lầm lớn.
5. Có trách nghiệm với công việc được giao
Để có thể hoàn thành đầy đủ các công việc được giao, bạn nên phân chia thời gian hợp lý và thực hiện theo trình tự, cẩn thận từng công việc. Điều này cũng giúp cho bạn tiết kiệm thời gian một cách tối đa đấy.
6. Ai cũng có thể mắc sai lầm
Sau khi tìm ra được một bug nghiêm trọng, đừng tỏ ra hớn hở trước mặt dev. Hãy hiểu rằng không phải chỉ có test mới phải làm rất nhiều việc trong thời gian hạn chế và kinh phí ít ỏi dev cũng vậy. Không ai có thể tạo ra một sản phẩm không có lỗi nào, trừ khi không test. Vậy nên, hãy hiểu vai trò của bạn, và giúp tìm cách sửa lỗi thay vì đắc ý vì tìm được lỗi.
7. Khen ngợi người khác một cách thật lòng
Một mối quan hệ chỉ bền chặt nếu thường xuyên có sự tương tác giữa các thành viên, hãy dành cho nhau những lời khen thật lòng hạn chế những cuộc cãi vã, và có với nhau nhiều kỷ niệm đẹp.
Anh Sơn – một leader đã có 8 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí tester, QAer, test lead. Nhưng dường như mọi trải nghiệm ở từng vị trí chưa là hành trang đầy đủ để anh có thể tự tin khi chuyển từ môi trường product sang outsource. Vẫn có những khó khăn khi join vào dự án, vẫn có những lần miss require, lọt bug sang phía khách hàng…Nhưng đi qua những sai lầm, chúng ta luôn hiểu được rằng: Vấn đề nào cũng có nguyên do của nó. Vì vậy mà bên cạnh những vấn đề mang tính cá nhân, anh cũng nhận ra những điểm cần rút kinh nghiệm đối với mỗi dự án. Có dự án ngay từ khi start đã không có requirement và thông tin không rõ ràng (tài liệu, mockup không đầy đủ), có những dự án thay đổi requirement liên tục(nhất là về luồng – workflow) và cả những dự án không theo sát requirement của khách hàng ngay từ đầu…Những yếu tố này khiến cho không chỉ dev team khó phát triển, PO khó quản lí, điều chỉnh tiến độ mà còn khiến cho QA team đôi khi bị rơi vào tình trạng không làm tròn trách nhiệm đảm bảo chất lượng dự án. Còn một yếu tố nữa có lẽ là sự khác biệt rõ rệt về đặc thù tổ chức, cấu trúc công ty khi anh làm product và khi anh chuyển sang làm outsource, đó là: “QAer tham gia vào dự án ở giai đoạn cuối trong khi có quá nhiều bug và thời gian release còn rất ngắn –> đội sẽ phải request thêm người để test trong khi các dự án khác cũng release song song. Đây có lẽ là vấn đề đặc trưng đối với những công ty startup – outsource như chúng tôi.
Từ cái nhìn mang tính chất so sánh giữa đặc trưng thể chế, cấu trúc của hai môi trường làm việc mà anh Sơn đã mang đến những chia sẻ rất khách quan và thiết thực. Và trên thực tế, chúng tôi cũng đang cùng nhau tìm hướng giải quyết cho những vấn đề ấy để chất lượng dự án không còn là câu chuyện “cần cố gắng” của chỉ riêng team QA nữa :).
Và cuối cùng là tâm sự của thành viên nhỏ tuổi nhất team về những khó khăn khi làm quen với automation testing. Là thành viên nhỏ tuổi nhất, kiến thức background về IT gần như không, kĩ năng làm việc còn ít, vậy nên khi làm quen với automation test, nhiều khi em đã thốt lên rằng:”Sao auto test khó qúa vậy???”. Và sau một thời gian làm quen với nó, em đã có những chia sẻ như dưới đây:
“Khi nhìn thấy màn hình của php storm thì tim đập chân run, hồi hộp khó tả khi không biết mình phải làm sao với màn hình sào sáo khó hiểu này. Team sử dụng Behat, selenium, nhưng được cái em đâu biết nó là gì. Không biết thì phải học, bắt đầu công cuộc hỏi chị google, chị google chị ấy bảo “Behat Là một công cụ hiện thực hóa các story và scenario, biến các câu văn được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên thành các lệnh mà chương trình có thể hiểu và thực thi”, bắt đầu hoang mang lần hai, đọc đi đọc lại khoảng chục lần thì bắt đầu hiểu hiểu, nhưng lý thuyết là vậy còn thực hành thì đâu ai hay chữ “ngờ”. Sau khi được sự hướng dẫn tận tình của bậc thầy auto- Sơn đại ca, team đã bắt đầu từ bước setup dự án, clone dự án trên git về bằng những câu lệnh. Tưởng chừng sẽ dễ dàng hơn khi có người hỗ trợ, nhưng vì chưa có nền tảng về lập trình nên khi có lỗi thì không biết sửa, trong đầu không có một dòng code nào nên việc làm quen và chạy auto vất vả vô cùng, thật khó hiểu khi làm sao từ màn hình php storm mà lại kết nối được với dự án trên web hay trên mobile, và làm sao để đẩy code lên để cho cả team cùng xem được code của mình hay lấy code từ trên git về, việc này cũng khá đau đầu vì sẽ gặp phải conflicts. Việc làm cho các case chạy “luột” từ đầu đến cuối mà lại không được phụ thuộc vào nhau, hỏi em câu đấy thì khác nào bảo vui chơi thoải mái nhưng phải tiết kiệm, nhưng cuối cùng thì cũng có giải pháp, team QA sẽ đáp ứng hết. Việc phải đối mặt với những dòng code dài khó nhớ, mỗi lần muốn dùng là phải hỏi tứ tung chứ cũng không hề đơn giản. Thời gian ấy không có câu nào được nghe thấy nhiều hơn câu “ANH SƠN ƠI”. kỉ niệm không thể quên với auto đó chính là 3 ngày liền bám công ty, cả team làm việc đến 3h sáng, mà vẫn hồi hộp thấp thỏm mỗi lần click start chạy scrip.”
Những chia sẻ của Ly đối với chúng tôi thực sự cần thiết và có giá trị. Vì sau này chắc hẳn sẽ có nhiều hơn những member như Ly tham gia vào team QA cũng sẽ gặp những vấn đề như thế. Nhưng tâm thế của chúng tôi lúc ấy chắc hẳn sẽ rất khác, sẽ sẵn sàng đưa tới những giải pháp, cách giải quyết vấn đề khi trainning autotest. Và hi vọng lúc ấy sẽ là không còn nghe thấy câu than phiền ”Sao auto test khó qúa vậy???” nữa :))) mà là thay vào đó sẽ là: “Ơn giời có autotest đây rồi 🙂 Autotest thật là thích.”
Nhẹ nhàng thế thôi !
Và chúng ta đã đi qua 4 góc tâm sự của 4 members trong team QA. Thử tưởng tượng 1 năm sau, khi Anh Sơn, Ngọc Anh, anh Linh hay Ly vẫn là QA-er của DEHA và đọc lại những dòng tâm sự của mình 1 năm về trước, hi vọng họ sẽ thốt lên rằng: “Một năm trước mình còn nhiều bề bộn, lo lắng quá :). Nhưng thật may đến hiện tại 2/3 trong số đó đã được cải thiện ! ”. Hãy cứ hi vọng thế vì chúng tôi có niềm tin, có nhiệt huyết và hơn cả, hiện tại chúng tôi vẫn không ngại “vươn tới những bề bộn đáng gờm hơn thế" :).