Thợ gõ DEHA – Tôi tập gõ

Đứng giữa công ty, tôi nhìn các thợ gõ. Vài đám thợ đang đứng trước tư liệu lao động tay hua vào không khí, bụi bay mù trời. Đám khác đang khoanh tay nhìn sâu vào mắt nhau như có điều gì muốn nói. Đám khác tay cứ chỉ chọc vào tường, rồi loay hoay bôi bẩn cái bảng. Đông đúc, nhộn nhịp, bụi bặm không khác gì cái xưởng gỗ. Trong không khí hân hoan và bừng bừng đó, đột nhiên tôi phát hiện ra một đám rất lạ. Chả là đám này sau khi họp hành buổi sáng xong thì ngồi vào máy gõ, mắt nhìn màn hình hồi lâu, sau đó cúi xuống như thể nhìn cái gì ở thắt lưng, rồi lại nhìn máy hồi lâu. Thấy lạ, tôi mon men lại gần một tay thợ, rõ ràng là ở thắt lưng ko có gì, quái lạ, sao mà nó cứ nhìn thế nhỉ? Tôi giấu sự tò mò của mình hồi lâu rồi oánh bạo hỏi thử: “Em ơi, anh hỏi khí không phải, em đang nhìn gì ở bẹn thế?”. Tay thợ ngước mắt lên, ngón tay gõ cạch một cái rõ to vào núm to nhất rồi gằn giọng yếu ớt: “Em chả có gì để nhìn cả!!!!… Em cúi xuống để nhìn bàn phím!”. À, ra thế! Tôi vỡ lẽ. Té ra các thợ gõ cứ phải nhìn bàn phím mới ngõ được. Các anh phải cúi xuống, ngước lên liên tục, còn ngón tay thì cứ sờ soạn mân mê từng núm một như một thói quen hồi bé. Đến khổ.

Các bác thợ nhà ta, tuy được đào tao hơn chục năm dưới mái trường của giai cấp vô sản. Ít nhất 3 năm được giai cấp viết mã đồng hóa mà chưa một lần biết ngõ phím mà không cần nhìn. Thế là tôi mới bắt đầu đi tìm hiểu cách gõ phím các bạn ạ, bài này xin viết về cách học gõ phím bằng cả bàn tay.

Đầu tiên, các bạn cần vào trang web này để xác định xem tốc độ gõ của mình là thế nào: https://10fastfingers.com/typing-test/vietnamese
Không khó để nhận ra rằng, tốc độ gõ trung bình của chúng ta khoảng chừng 50 ~ 60 từ một phút (đối với tiếng Việt), tỉ lệ lỗi khoảng 30% ~ 50% là ít. Với trường hợp các thợ gõ cò, tốc độ chắc còn một nửa và tỉ lệ lỗi cũng hân hạnh được tăng lên gấp đôi.

Tôi viết đến đây thì có con em, vợ sắp cưới của thằng cu em, đang nằm cạnh phản bác: “Anh toàn nói điêu, thợ gõ người ta suy nghĩ là chủ yếu, chứ có ai hùng hục như anh”. Chỗ này tôi có chút tìm hiểu và được biết rằng kẻ thù của suy nghĩ là sự mất tập trung. Các nghiên cứu của một bài báo, do chính tôi bịa ra, chỉ rõ rằng thợ gõ hầu như bị gián đoạn mạch nghĩ ngay khi cúi xuống nhìn núm và bắt đầu vân vê nó. Đặc biệt các thợ gõ thậm chí còn quên luôn chỗ mình định làm sau khi đi tìm các núm “&”, “^”, “%” và một số phím số “0”, “8”… Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh việc này với việc chơi đế chế. Riêng các cao thủ như “Chim sẻ đi nắng”, tuyệt nhiên không bao giờ thấy nhìn bẹn để sinh dân hoặc làm chặt gỗ. Mấy tay mơ như tôi thì thậm chí còn phải đi tìm chữ Y lúc làm xọc xiên. Và tuyệt nhiên ko bao giờ đủ tuổi để “vẩy E”. Nhiều lúc dồn được thực sớm phút thứ 9, chuẩn bị đóng cái B, L, cúi xuống nhìn bẹn xong, ngước lên đã thấy phút thứ 15 và vài cái nhà đang cháy.

Nói chung, cả thanh xuân của nhiều thợ gõ dành cho việc tìm kiếm và nhìn mấy cái núm. Việc này vừa mất thời gian, vừa giảm sự tập trung, lại còn gây nhiều hệ lụy về tư thế ngồi, cổ, mắt… Hơn nữa, nó cũng làm tổn hại cái danh xưng thợ gõ. Mình là thợ gõ chứ có phải thợ sờ núm đâu nhỉ? Vậy nên, học gõ 10 ngón và ngõ được tối thiếu 100 từ một phút là một yêu cầu tối thiểu với nghề gõ. Khi chúng thợ có thể gõ được ở tốc độ này, chúng ta có cảm giác như đang bay trên code vậy, lúc đó não của ta được rảnh rang để tập trung làm việc thực sự quan trọng. Đôi lúc, do ăn may, tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi và quên hết mọi thứ xung quanh.

Để gõ được 10 ngón mà không cần nhìn bàn phím, tôi có chút kinh nghiệm dễ làm như sau:
1. Thời gian luyện tập là 1 tháng, mỗi ngày 30p. Tập nhiều hơn hình như không có tác dụng mấy.
2. Truy cập vào website này: https://www.typingstudy.com/vi-vietnamese-3, có khoảng 15 bài, mỗi ngày thực hành đúng 1 bài.
3. Sau khi tập xong với website trên, hãy luyện tập thêm với website này: https://10fastfingers.com/typing-test/vietnamese
4. Dành thêm thời gian để tập luyện với các phím số và phím tắt.
5. Trong quá trình luyện tập, nếu sức khỏe cho phép hãy uống trà xanh, ăn nhiều trứng để hệ thần kinh có điều kiện phát triển nhé.

Sau một tháng, bạn sẽ thấy mình gõ được khoảng 60 từ một phút. Nguyên tắc của các bài luyện tập này rất đơn giản, khi bạn dành đủ 20 tiếng luyện tập một điều gì đó, đều đặn và liên tục hằng ngày, não của bạn sẽ hình thành một liên kết “siêu dẫn”, liên kết này sẽ giúp bạn thực hiện các động tác mà không cần suy nghĩ về nó. Đây là nguyên tắc chung của việc tập luyện đàn ghi ta, piano… Nó không mất công mà đòi hỏi sự kiên trì, kỉ luật.

 

Với trường hợp đã gõ được 10 ngón và muốn tăng tốc độ gõ lên 200 từ một phút. Tôi có lời khuyên là bạn nên chọn layout bàn phím khác, không dùng QWERTY nữa. Lí do là layout bàn phím QWERTY được phát minh ra nhằm mục đích làm chậm tốc độ gõ phím của bạn. Điều này nghe phi lí, nhưng thực tế thì vấn đề này do nguyên nhân lịch sử. Trước đây, máy gõ chữ là máy cơ, các thanh sắt sẽ bị kẹt lại nếu bạn gõ quá nhanh, người ta phải phân tán các phím quan trọng ra xa nhau với mục đích làm bạn gõ chậm lại, dễ sai hơn, để tránh bị kẹt phím. Bạn có thể tham khảo layout COLEMAK (tôi đang dùng) hoặc DVORAK (rất thích hợp với lập trình viên) để tăng tốc độ ngõ lên thần sầu, khoảng 223 từ một phút, tỉ lệ lỗi 1% ~ 2%.

Tôi cũng kiến nghị các nhóm, phòng ban nên xem kĩ năng gõ là một kĩ năng sơ cấp mà các thợ gõ cần có trước khi bắt đầu hành trình tại xưởng gõ của chúng ta.

Cuối cùng, sau khi tìm hiểu về cách học gõ, tôi thấy mình gõ còn nhiều thiếu sót, tôi xin tự hứa với bản thân sẽ phấn đấu và học tập không ngừng ngày một xứng đáng hơn với danh xưng thợ ngõ. Tôi cũng xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc đoạn văn cuối này của tôi.

Trân trọng.

3 Replies to “Thợ gõ DEHA – Tôi tập gõ

  1. Như vậy cần phải có cuộc “Cách mạng cải cách layout” phải không thưa tác giả?

  2. Cho mình hỏi tốc độ gõ tiếng việt của bạn trên layout Colemak là bao nhiêu vậy? Mình thấy mấy trang nước ngoài nói Colemak chỉ tốt với Tiếng Anh thôi còn các ngôn ngữ khác ko thực sự tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *