Tuổi hai mươi hiên ngang bước vào đời (Phần 2)

Bài viết này không phải để review về cuốn sách trên mà là để lan tỏa những thông điệp tuyệt vời bên trong nó.

Mình xin phép được chia sẻ tiếp cuốn sách để nối chuỗi câu chuyện phần trước. Tuổi trẻ này có hàng ngàn con đường để chúng ta lựa chọn, nhưng để hiên ngang vững bước, bạn hãy thử:

Phần 1…

4 ~ Khai sáng con đường của bản thân với 6 việc

1 – Nỗ lực không ngừng.

Người ta thường nói, công việc rất quan trọng chiến lược, chiến thuật. Nhưng để đi tới thành công, chẳng có con đường nào ngoài cố gắng hết sức. Hãy liên tục tạo động lực để nỗ lực hết mình. Nếu muốn đi gặp người mình thích thì con đường ngàn dặm cũng như một dặm mà thôi.

 

 

2 – Không ngạo mạn.

Cảm giác được đứng trên đỉnh núi thật sự rất tuyệt, nhưng bạn đừng vì thế mà vênh váo với non sông. Cũng bởi dù thành công đến đâu, chúng cũng chỉ là một con người, một hạt cát nhỏ bé trong vũ trụ, đừng để bản thân ngủ quên trên chiến thắng, hãy không ngừng nuôi dưỡng tâm hồn và sống thật đẹp.

 

3 – Phản tư mỗi ngày.

Có rất nhiều cách để phản tỉnh nhưng bạn có thể thực hiện nó đơn giản bằng cách nhìn lại bản thân. Trước khi đi ngủ, hãy nghĩ về những việc mình đã làm trong ngày, mình đã tạo ra bao nhiêu giá trị? Mình có làm sai điều gì? Mình có lỗi với ai không? Việc phản tỉnh mỗi ngày cho bạn cơ hội tuyệt vời để hoàn thiện bản thân. Nói vui theo Scrum, đó là những buổi Retrospective để cải tiến cuộc đời.

 

4 – Cảm ơn cuộc sống.

“Cuộc sống vốn dĩ không công bằng!” – Bill Gates

Nhưng cũng không vì thế mà bạn phải bất mãn. Khi gặp cơ hội thuận lợi, đương nhiên chúng ta sẽ cảm ơn những may mắn cuộc đời ban tặng. Khi gặp khó khăn, trắc trở, chúng ta cũng hãy cảm ơn vì những bài học chúng mang lại giúp đôi chân mình vững vàng thêm bội phần. Hãy sống thật vui vẻ và đặt lời cảm ơn trên miệng với một nụ cười thật tươi với tất cả mọi người. Cuộc sống cứ vậy mà an nhiên…

5 – Tích cực làm việc tốt.

Vận mệnh và luật nhân quả là hai thứ mà lâu nay mình vẫn luôn hoang mang không biết đúng sai nhưng tác giả Inamori Kazuo thì đặt niềm tin mãnh liệt vào đó. Giờ mình cũng chưa tin lắm nhưng có một điều mà không ai có thể phủ định được rằng làm việc tốt thì cảm thấy rất vui vẻ, phải không?

 

Trong phần này tác giả dành nhiều dòng cho việc phân tích để chúng ta hiểu “đại thiện” và “tiểu thiện”. Bạn bè chơi bời phá phách, khi cần tiền chúng ta cho họ vay có phải là hành thiện không? Vì thương con cái mà chúng ta nuông chiều, bao bọc hết mực có phải là hành thiện không? Đó là “tiểu thiện”. “Đại thiện” thì hơi tàn nhẫn, trong tình huống như kia thì mình phải không cho bạn vay tiền để bạn tu tỉnh, với con cái thì mình phải nghiêm khắc và để chúng tự bước trên đôi chân của mình.

“Đại thiện thì tàn nhẫn, còn tiểu thiện thì là đại ác!”

6 – Không buồn vu vơ theo cảm tính.

Không biết có ai ngáo giống mình không mà thỉnh thoảng buồn vu vơ mình lại có cảm giác rất “chill”. Một mình nhìn mưa rơi, đi qua hồ Tây lòng man mác các thứ… Mình nghĩ không buồn vu vơ thì tốt nhưng nếu có lỡ buồn thì nhất định phải buồn cho “chill”, chứ không được để nỗi buồn dằn vặt đến mức cả ngày phải chất vấn chính mình, không được để nỗi buồn lớn đến mức ngay cả việc đối nhân xử thế của bản thân cũng lệch lạc.

 

 

5 ~ Thấm nhuần triết học trong công việc.

Cách suy nghĩ quyết định cuộc đời. Lý do duy nhất khiến Kyocera và KDDI thành công là nhờ việc một lòng bảo vệ triết lý “Làm người, cái gì là đúng?” trong suốt hàng chục năm. Phương trình cuộc đời mà Inamori Kazuo đã nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều bài viết, sách báo là:

 

Kết quả công việc = Cách suy nghĩ x Năng lực x Tư duy

 

Nếu năng lực của bạn còn đang hạn chế, nếu bạn không được sinh ra với một bộ não thiên tài hay một khả năng thiên bẩm, bạn hoàn toàn có thể vớt vát bản thân bằng những nỗ lực không ngừng hoặc bằng một cái tâm tốt đẹp. Đối với công việc, khi tâm hồn chúng ta thấm nhuần tư tưởng nỗ lực và tận tâm, thiện lành và trong sáng, không vụ lợi và không ích kỷ, nhất định chúng ta sẽ thành công. Nhất định!

6 ~ Tìm hiểu kinh doanh thông qua 12 quan niệm đúc kết bởi lãnh đạo Kyocera và KDDI.

Nếu bạn muốn thử sức kinh doanh, bạn có thể đọc qua 12 quan niệm được Inamori Kazuo chia sẻ tại chương 5 của cuốn sách Tuổi hai mươi hiên ngang bước vào đời. Thấy gì không, là cả một chương, là cả một đời đúc kết để cho các bạn chỉ việc đọc lại thôi đó.

 

Mong rằng các bạn sẽ không hiểu những chia sẻ này theo hướng đang được giảng giải đạo lý hay hướng dẫn sống tốt gì đó. Vì mình thấy trên mạng người ta vẫn trêu rằng: “Người hay nói đạo lý thường sống không hay!”. Mình chỉ muốn thông qua việc giới thiệu những cuốn sách của ngài Kazuo, có thể lan tỏa được tinh thần Inamori tới tất cả mọi người.

Khi chúng ta còn trẻ, mọi thứ vẫn còn kịp, chỉ có cách rèn luyện bản thân và đóng góp giá trị không ngừng thì sau này, dù có tiếc nuối cũng là vì muốn đóng góp nhiều hơn nữa. Cũng vì chúng ta còn trẻ, mọi thứ còn rất kịp, nhất định không được để bản thân lạc hướng, lầm đường để sau này nhận lại chỉ toàn những hối hận, những đắng cay.

 

Khi triết lý Inamori lan toả, bước chân tuổi hai mươi thật hiên ngang biết bao vì được bước trên con đường toàn người tốt.

Khi triết lý Inamori lan toả, cuộc sống thật dễ thở biết bao vì được sống giữa một rừng hoa.

 

One Reply to “Tuổi hai mươi hiên ngang bước vào đời (Phần 2)”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *