Thợ học – Học triết

Mới đây tôi dành vài tuần tìm hiểu về Adoft Hitler. Quá trình đó khiến tôi phải đọc về Joseph Stalin, Hồ Chí Minh và Thiên hoàng Mutsuhito (Thiên hoàng Minh Trị). Cả 4 nhân vật nổi tiếng này: Adoft Hitler, Joseph Stalin, Hồ Chí Minh và Thiên hoàng Mutsuhito đều là mối quan tâm của tôi vì tôi phát hiện ra rằng, họ đều có một điểm chung đặc biệt: Bằng các kĩ năng lãnh đạo thiên tài, họ đã dẫn dắt tổ chức của mình từ chỗ yếu thế thành một thế lực hùng mạnh rồi giành lấy những thắng lợi không tưởng.

Nước Đức trước thời Hitler là một nước khơi mào và bại trận trong chiến tranh thế giới thứ Nhất, phải gánh chịu những điều khoản nặng nề về đền bù phí tổn chiến tranh khiến cho kinh tế Đức lâm vào khủng hoảng trầm trọng, siêu lạm phát, vị thế của nước Đức xuống rất thấp trong châu Âu thời bấy giờ và quyền lợi của đất nước bị tổn hại nghiêm trọng. Đó là một nước Đức chia rẽ, bạo loạn và suy yếu. Vậy mà trong thời gian ngắn, nước Đức đã thành một cường quốc kinh tế, quân sự có đủ tiềm lực để chinh phạt cả Châu Âu.

Nước Nhật thời Thiên hoàng Minh Trị là một nước nhật chia rẽ, bè phái, cát cứ bởi các samurai, một nước Nhật bảo thủ với nền nông nghiệp vô cùng lạc hậu, nhân dân đói nghèo. Thiên hoàng đã dùng nhiều biện pháp, cải cách tận gốc rễ, thậm chí cả hiến pháp để khiến cho nước Nhật trở thành một thế lực lớn ở Đông Á, đủ sức đánh cho Trung Quốc, Mĩ, liêu xiêu. Trong thế chiến, Nhật là bá chủ vùng Đông Á, vơ vét được rất nhiều vàng bạc, tài nguyên về cho đất nước.

Có những câu chuyện tương tự như thế ở Việt Nam và Liên Xô. Quan sát những câu chuyện trên, tôi đã có một số thắc mắc lớn. Thứ nhất là, làm thế nào mà một người dân rất đỗi bình thường như A. Hitler lại có thể lên nắm quyền rồi thay đổi hiến pháp và chuyển đất nước sang chế độ Quốc xã, làm quốc trưởng với quyền lực vô hạn trong tay? Thứ hai, họ làm thế nào để dẫn dắt một tổ chức yếu thế ban đầu đi hết khó khăn này đến khó khăn khác để rồi thành công và đạt mục tiêu lớn.

Tôi muốn bỏ qua các vấn đề về chính trị, các tội ác chiến tranh… để tìm hiểu các qui luật quan trọng từ những tài năng của họ. Qua quá trình tìm hiểu, tổng hợp của mình, tôi thấy ở họ có một số năng lực sau:

Thứ nhất, họ có tài diễn thuyết rất hùng hồn. Người ta kể rằng, mỗi khi Hitler bắt đầu diễn thuyết, cả hội trường hàng ngàn người im bặt, không một tiếng động, phụ nữ thì yêu ông còn đàn ông thì ngưỡng mộ ông. Hầu tất các người giỏi đi theo Hitler sau khi nghe ông diễn thuyết. Phong cách diễn thuyết máu lửa và mạnh mẽ của ông làm say đắm tất cả người nghe. Ông có thể diễn giải các vấn đề phức tạp thành những nôi dung dễ hiểu và đi vào lòng người. Người nghe nhìn thấy vấn đề của dân tộc Aryan, mối đe dọa từ Bolshevick, sự lấn át của người Do Thái và nỗi tù túng của nước Đức. Người ta cũng nhìn thấy một tương lai hùng mạnh của nước đức, sự giải phóng, sự tự do mà ông có thể mang lại cho nước Đức và thế giới. Ông khiến người ta tin vào điều đó một cách mù quáng như bị bùa mê thuốc lú, hơn cả thế, cả nước Đức bị cuốn vào, sống chết với lý tưởng của Hitler, bỏ bao nhiêu nhân mạng vì nó đến tận giây phút cuối cùng của chế độ Quốc xã. Tất cả chỉ bắt đầu bằng việc Hitler đã diễn thuyết khắp nước Đức lý tưởng của mình.

Thứ hai, tất cả họ có tài năng xuất chúng trong việc nhận ra sức mạnh vô hạn của quần chúng, dân tộc. Hồ Chi Minh có một giai thoại rất nổi tiếng, người ta kể rằng, khi các cán bộ cốt cán của phong trào Việt Minh hỏi Bác: Lần này về nước để giải phóng dân tộc, chúng ta không có vũ khí trong tay thì làm sao mà đánh Pháp được. Bác Hồ cho rằng, vấn đề trước mắt bây giờ không phải là vũ khí, vì giả sử như đã có vũ khí rồi thì lấy ai sử dụng số vũ khí ấy. Bác cho rằng, vấn đề lớn nhất bây giờ là đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân tham gia vào việc đánh Pháp giải phóng dân tộc, nhân dân muốn đánh đuổi ngoại xâm rồi, họ sẽ tìm thấy vũ khí của chính mình. Tất cả các cá nhân xuất chúng có ảnh hưởng lớn đều bắt đầu từ việc kêu gọi quần chúng, đoàn kết nhân dân và hướng họ vào một mục đích lớn lao như thế.

Thứ ba, họ có tầm nhìn xuất sắc dựa trên nhận biết các qui luật. Thiên hoàng, Stalin, Hồ Chí Minh hay Hitler đều có những viễn kiến rất xuất sắc về tương lai, như thể họ đã nhìn thấy nó trước. Thiên hoàng nhìn thấy trước cơ hội biến nước Nhật trở thành cường quốc khi học tập khoa học kĩ thuật của phương Tây kết hợp với văn hóa độc đáo của người Nhật. Hồ Chí Minh nhận định rằng nếu chiến tranh thế giới thứ nhất tạo ra một nước Nga xã hội chủ nghĩa thì chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc sẽ có hàng chục nước xã hội chủ nghĩa được giải phóng. Hitler có tầm nhìn lớn về một nước dân tộc Aryan hùng mạnh (thực tế, nếu không tấn công Liên Xô, những thành tựu mà Hitler có được là rất lớn). Stalin nhìn thấy trước một chiến thắng tại Berlin. Viễn kiến thiên tài đã giúp họ nhìn ra được cơ hội, qua đó có sách lược chính xác, tập trung nguồn lực và thu gọi được nhân tâm. Chiến thắng sau cùng của họ là tích lũy từ các lợi thế nhỏ trong một khoảng thời gian dài.

Thứ tư, trên tất cả họ có một lí tưởng lớn, dựa trên một hệ tư tưởng vững chắc. Hitler có tư tưởng lớn cho rằng, dân tộc Aryan là dân tộc thượng đẳng, đang bị cả thế giới chèn ép, thiếu “đất sống”, bị cư xử bất công. Dân Do Thái, là dân tộc hạ đẳng, đang sống len lỏi trong nước Đức, thao túng đất nước và làm nhơ bẩn dòng máu Aryan. Lí tưởng của Hitler là loại bỏ dân Do Thái, thanh lọc người Aryan, chiếm lấy “đất sống” khiến cho chủng tộc Aryan trở nên hùng mạnh, xây dựng một nước Đức bá chủ và hùng cường. Lẽ dĩ nhiên, hệ tư tưởng của Hitler về dân tộc Aryan là một sai lầm, thực chất không có một dân tộc Aryan nào và chủ nghĩa bài Do Thái của ông đã gây nên những tổn hại vô cùng lớn cho nước Đức. Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn, ông tư tưởng của ông dựa nhiều vào các nét lớn của chủ nghĩa Mark, chủ nghĩa dân tộc. Lí tưởng lớn của ông là bằng cách đoàn kết và khơi gợi tinh thần dân tộc của người Việt, một đất nước Việt Nam đoàn kết sẽ có thể đánh đuổi mọi kẻ thù, từ đó xây dựng một xã hội hướng tới lí tưởng, mạng lại hạnh phúc ấm no cho mọi người dân…

Cuối cùng, tôi thấy rằng, dù có tài năng và tầm nhìn xuất chúng, họ đều có khả năng khiến cho người bình thường, thậm chí là ít học, hiểu được các ý tưởng của họ, tin tưởng và ủng hộ họ. Những gì thuộc về lí tưởng, tư tưởng thì đều phức tạp và khó hiểu, nhưng bằng những cách rất cụ thể, họ có thể diễn giải, thể hiện, làm gương… để khiến cho quần chúng thấu hiểu được, tin theo và chiến đấu sống chết vì nó. Sự xuất hiện của họ ở mọi nơi, vừa mang tính biểu tượng, vừa chân thực và gần gũi với tất cả mọi người.

Trong các yếu tố trên, tôi nhận thấy đặc tính thứ tư là nổi trội hơn cả. Họ có một lí tưởng lớn, dựa trên một hệ tư tưởng vững chắc. Bằng cách phát triển và truyền bá tư tưởng của mình họ dần xây dựng xung quanh mình những lực lượng hùng hậu, cùng họ xây dựng và đạt được lí tưởng lớn đó. Lí tưởng lớn, thường được dựa trên một nền tảng tư tưởng triết học rất vững chắc không chỉ có ý nghĩa khi thuyết phục và kêu gọi lực lượng, còn có giá trị lớn trong thực hành, là kim chỉ nam cho hầu hết hoạt động của tổ chức sau này.

Nước Đức, là cái nôi của nhiều nền triết học lớn, như Imanuel Kant, Karl Marx, Friedrich Helgel cũng là cái nôi của nhiều thiên tài đạt giải Nobel, của những nhà khoa học, công nghệ đóng góp vô cùng lớn cho các cuộc cách mạng công nghệ, kĩ thuật, tư tưởng của thế giới.

Không may cho chúng ta, thế hệ 8x, 9x, 2k. Chúng ta tiếp cân môn triết học khá muộn (sau khi vào đại học) và lối học triết học quá nặng nề về sách vở, giáo điều làm hầu hết chúng ta dị ứng. Triết học mà chúng ta học được cũng một chiều, nặng nề về chính trị, ít cho chúng ta cơ hội để thử nghiệm, đào sâu và đưa triết học vào cuộc sống. Trong ghế nhà trường, ai tranh luận về triết học đều bị cho là điên hoặc chập mạch. Dần dần, chúng ta đâm ra ác cảm và xa rời triết học, chúng ta ra trường với một hệ tư duy chắp vá, những tư tưởng không rõ ràng và ước mơ quá cỏn con.

Học nhiều triết hơn nữa, là một lời giải quan trọng trong thời đại 4.0 ngày nay. Muốn tạo nên giá trị lớn, nhất định phải có lực lượng, nguồn lực lớn, muốn kêu gọi được nguồn lực lớn nhất định phải có nền tảng tư tưởng lớn, muốn có nền tảng tư tưởng lớn, chúng ta phải có lí tưởng lớn. Lí tưởng và nền tảng tư tưởng là nền móng cho trí tuệ của những nhà lãnh đạo.

Chúc mọi người học triết vui vẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *