Cách đây lâu rồi, tôi nhận thức được rằng, các tư tưởng, triết lý, là nền tảng vững chắc cho quá trình tư duy. Vậy nên tôi dành thời gian và công sức để tìm về các nền tảng, nhất là tìm hiểu về các nhà tư tưởng lớn và kinh điển. Quá trình đó giúp tôi có vài tổng hợp quan trọng, hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn đọc về một nhà tư tưởng lớn về kinh tế. Ông là Adam Smith.
Adam Smith (rửa tội 16/06/1723, mất ngày 17/07/1790) là một nhà kinh tế học người Scotland, các tác phẩm của ông về kinh tế học vô cùng quan trọng, được xem như là các lí thuyết nền tảng, khai sinh ra môn khoa học nghiên cứu về kinh tế, chúng cũng cung cấp cơ sở lí luận vững chắc của thương mại tự do, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tự do. Tư tưởng lớn của ông cũng có giá trị triết học, tư tưởng vô cùng sâu sắc.
Cựu thủ tướng rất nổi tiếng của Anh, bà đầm thép Margaret Hilda Thatcher (1925 ~ 2013) đã yêu cầu tất cả đội ngũ của mình phải đọc kĩ tác phẩm “Bàn về tài sản quốc gia” và đích thân ba kiểm tra việc đọc tác phẩm này. Vậy, tư tưởng và tác phẩm của ông có gì mà ghê gớm đến thế!?.
Thời đại của Adam Smith, nước anh đang có nhiều chuyển biến lớn về khoa học kĩ thuật, với sự ra đời và ứng dụng của động cơ hơi nước. Sự tiến bộ đó là tiền đề cho nền sản xuất hàng loạt tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp bắt nguồn ở Anh và lan ra toàn thế giới. Tuy nhiên, thời kì của Adam Smith, cách mạng công nghiệp lần thứ nhất chỉ mới manh nha, sản xuất hàng loạt chưa đủ điều kiện hội tụ để phát triển mạnh mẽ. Chủ nghĩa tư bản đang phát triển nhưng chưa tạo thành một lực lượng lớn trong xã hội. Trong hoàn cảnh đó, các quan sát và góc nhìn của Adam Smith về nền kinh tế và chủ nghĩa tư bản đã làm người đương và đời sau thán phục.
Trong thời đại của mình, người ta cho rằng, miếng bánh kinh tế là cố định, các nước ra sức củng cố chủ nghĩa bảo hộ quốc gia, đánh thuế rất cao các mặt hàng nhập khẩu, các địa phương chủ trương tự sản xuất và hạn chế nhập các mặt hàng từ nơi khác đến. Tiền bạc được cho rằng sẽ thu được bằng chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất.
Thời đó, chủ nghĩa trọng thương là học thuyết chủ yếu để vận hành nền kinh tế. Trong đó, người ta cho rằng tài sản của quốc gia sẽ thu được thông qua việc đánh thuế và buôn bán. Chính hoạt động buôn bán tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế.
Adam Smith không nghĩ thế, bằng viễn kiến và quan sát xuất sắc của mình, đã khám phá ra điều khác. Đầu tiên, ông cho rằng, tự do thương mại sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều so với việc nền kinh tế sản xuất tự túc. Nếu cư dân ở vùng Bắc Ninh có thể sản xuất một mặt hàng nào đó với giá rẻ hơn Thái Bình, thì theo ông, cư dân vùng Thái Bình nên mua sản phẩm của Bắc Ninh, giá cả thấp hơn sẽ giúp cư dân có nhiều tiền dư hơn để tập trung vào sản xuất các mặt hàng hoặc dịch vụ là thế mạnh của Thái Bình, những thứ mà Bắc Ninh không hoặc không thể sản xuất. Một lẽ tự nhiên, cư dân Bắc Ninh sẽ mua lại các ản phẩm giá cả rẻ và tốt hơn từ Thái Bình, từ đó giúp cư dân Bắc Ninh có thêm tài chính và nguồn lực để tập trung sản xuất, tạo ra các sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn. Vòng xoáy đó tiếp tục diễn ra, tạo nên nhiều lợi ích và của cải cho cả Bắc Ninh và Thái Bình.
Để hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên thuận lợi, Adam Smith nhận định, mỗi người dân tham gia vào nền kinh tế cần phải được tự do và được bảo vệ quyền sở hữu tài sản cá nhân. Mọi người có quyền tuyệt đối trong việc quyết định mua và bán và quyền này phải được bảo vệ. Không ai được phép tước đoạt, cướp bóc các tài sản của cá nhân. Những người giàu có là những người sở hữu nhiều tài sản, những người không sở hữu tài sản nào, thì họ có quyền đối với bản thân của họ, sức lao động, sức khỏe và thời gian của chính mình. Để có thu nhập và tái tạo sức lao động, những người công nhân (người không sở hữu tài sản) sẽ bán “sức lao động” của họ cho các ông chủ để thu về thu nhập và tài sản. Thu nhập có được từ việc bán sức lao động sẽ được dùng để mua vật phẩm, nhu yếu phẩm từ người sản xuất khác, từ đó giúp tối các sản phẩm thế mạnh mà mỗi người có được. Qua đó, một nền kinh tế khổng lồ vận hành với mục tiêu tối ưu hóa của từng thành phần kinh tế.
Khám phá lớn nhất của Adam Smith chính là đưa ra khái niệm “bàn tay vô hình”. Có rất nhiều tranh cãi bàn tay vô hình mà Adam nói tới là gì. Bản thân tôi, sau một số tra cứu, thì hiểu rằng, nền kinh tế sẽ trở nên thịnh vượng mọi người sẽ giàu có và tạo ra các sản phẩm vô cùng chất lượng bởi một thế lực thần bí. Ông chủ cửa hàng bánh sẽ tìm mọi cách để sản xuất ra những chiếc bánh ngon, giá cả ngày càng rẻ, chất lượng ngày càng tốt không phải bởi lòng tốt của ông ấy với mọi người mà bằng sự ích kỉ của bản thân ông ấy. Trong một nền kinh tế mà người ta có tiền mua bánh thông qua việc bán sức lao động và tài sản, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn trong việc mua cái gì và của ai, mỗi ông chủ làm bánh, muốn bán được bánh và tạo ra lợi tức bắt buộc phải tìm cách tạo ra những cái bánh ngon nhất, giá cả hợp lí nhất cho dù ông ấy có muốn hay không. Toàn bộ nền kinh tế và các thành phần kinh tế buộc phải vận hành theo một qui luật tối ưu bằng cách cung cấp ra những sản phẩn chất lượng tốt nhất, giá cả rẻ nhất, phục vụ cho nhiều người nhất trên cơ sở ưu tiên lợi ích và sự ích kỉ của bản thân. Sự ích kỉ cả các thành phần kinh tế, thông qua tương tác lại tạo ra giá trị cho tất cả mọi người, theo Adam chính là “Bàn tay vô hình”. “Bàn tay vô hình” còn tham gia điều phối sản xuất, giá cả, nhu cầu, thị trường. Không ai cảm nhận được “Bàn tay” điều phối đó nhưng tất cả được điều chỉnh và chi phối bởi nó.
Nền kinh tế quốc gia mà Adam Smith hướng tới là một nền kinh tế tự do, trong đó nhà nước chỉ đóng các vai trò tối thiểu, thực thi những thứ mà các thành phần kinh tế không có động lực để làm như công an, bảo hiểm… Phần còn lại, Bàn tay vô hình sẽ thực thi mọi thứ.
Viễn kiến vĩ đại của Adam Smith về nền sản xuất đại công nghiệp, với các nhà máy hàng loạt là cơ sở vững chắc cho các lãnh đạo các nước công nghiệp hóa nền kinh tế của mình. Karl Mark, dựa vào học thuyết chủ nghĩa tư bản của Adam đã khám phá ra các ý tưởng lớn về giá trị thặng dư và sự bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư bản. Ngày nay, những tư tưởng của Adam Smith vẫn còn nóng hổi và vẫn được ứng dụng rộng rãi để vận hành các nền kinh tế công nghiệp, hiện đại.
Sau nhiều thế kỉ, người ta cũng nhận thấy “Bàn tay vô hình” của Adam thực ra có nhiều vấn đề mà ông đã chưa từng nghĩ đến ở thời đại của ông. “Bàn tay” đó, tuy điều phối để các thành phần kinh tế tạo ra giá trị rất lớn cho xã hội, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về đạo đức, môi sinh và bất bình đẳng trong xã hội. Nhà sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận có nguy cơ sử dụng những nguyên vật liệu độc hại “tiềm ẩn”, tạo nên những tổn hại sức khỏe. Những nhà tư bản cũng bất chấp mọi thứ, vì lợi nhuận cao mà tàn hại môi trường, môi sinh, khai thác và tận diệt mọi nguồn tài nguyên, khoáng sản. Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề lớn về đạo đức mà chưa có lời giải thích đáng, ví dụ, tôi có mọi quyền đối với thân thể tôi, vậy tôi có thể bán dâm để lấy tiền không? Chủ nghĩa tự do trả lời là có, nhưng đạo đức con người thì sao?
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tạo ra một lượng của cải khổng lồ cho xã hội, nhưng cũng để lại những hệ lụy ghê gớm về bất bình đẳng, bất công. Có những người phải bán đi tất cả những gì mình có, kể cả nhân phẩm, đạo đức, có những người sống trong nhung lụa, giàu có quá đỗi mà không biết làm thế nào cho hết tiền.
Cuộc sống không phải là một trò chơi công bằng, bản thân công bằng cũng không có nghĩa là mọi người bằng nhau. Muốn chơi một cuộc chơi lớn, chúng mình phải hiểu luật chơi để xác định được cách chơi của chình mình.