Antifragile

Sau sự kiện COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp đã xuất sắc vượt qua được đại dịch, nhưng chúng ta cũng ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo ngừng hoạt động vì đại dịch. Điều khác biệt giữa doanh nghiệp còn sống (thậm chí là sống khỏe) và đã chết do đại dịch có phải ở khả năng chống chọi, thích nghi của doanh nghiệp đó? Để trả lời câu hỏi này, hôm nay tôi sẽ giới thiệu với các bạn một thuật ngữ “Antifragile”. “Fragile” trong Tiếng Anh nghĩa là “mỏng manh, dễ vỡ”, ngược lại là “Antifragile”.

Trong tác phẩm “Antifragile” của Nassim Nicholas Taleb được dịch ra là “Khả năng cải thiện trong nghịch cảnh”. Hiểu rõ hơn về 2 thuật ngữ này qua ý sau:

  • Bất kỳ đối tượng nào sau biến cố mà hưởng lợi nhiều hơn so với thiệt hại thì sẽ có khả năng cải thiện trong nghịch cảnh, còn ngược lại đối tượng đó có tính chất mong manh, dễ vỡ.
  • Sau mỗi biến cố, biến động xảy ra, đối tượng đó không chỉ có khả năng hồi phục lại trạng thái như ban đầu, mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, giống như một sự tiến hoá thì gọi là Antifragile, ngược lại đối tượng đó là fragile.

Theo tác giả, với những tổ chức luôn luôn có sự ổn định, ít sự cố xảy ra thì khi có một biến động lớn xảy đến, chúng thường nhận những thiệt hại to lớn hơn, dễ đổ vỡ hơn. Đối với những tổ chức thường đối đầu với những biến động cấp tính thì khả năng sống sót và trở nên mạnh mẽ hơn trước những biến động lớn, chúng được hưởng lợi nhiều hơn là mất. Hàm ý ở đây là gì? Cá nhân tôi cho rằng, mỗi đối tượng cần duy trì được những tác động có sự căng thẳng, áp lực cần thiết để giúp cho đối tượng đó tăng khả năng thích ứng với những biến động lớn hơn trong tương lai, những biến động mà chúng ta không thể đoán trước được, thậm chí khi vượt qua nó, ta có thể đạt được kết quả vượt bậc. Giống như những người tập gym, để nâng được khối lượng tạ lớn hơn thì họ cần nâng khối lượng tạ nặng nhất có thể với số lần ít hơn, thay vì nâng khối lượng tạ vừa phải với số lần nhiều hơn. Một đứa trẻ được ba mẹ bao bọc quá mức khiến chúng có thể trở nên dễ tổn thương hơn khi gặp chuyện lớn. Sự căng thẳng và tần suất của nó là điều kiện khá quan trọng cho khả năng cải thiện trong nghịch cảnh của các đối tượng.

Taleb đã nói đến một điều đó là sai lầm của một cá thể nó thật sự có giá trị như thế nào. Một hệ thống có khả năng cải thiện nghịch cảnh là một hệ thống có những sai lầm nhỏ, không phụ thuộc lẫn nhau. Mối nguy hại từ sai lầm đó cần phải nhỏ hơn lợi ích của cả hệ thống. Sai lầm giúp làm giảm xác suất trong tương lai. Theo tác giả thì nó là một sự thật hiển nhiên và thật đáng buồn. Trong tác phẩm “Da thịt trong cuộc chơi” cũng của tác giả đã nêu rằng chúng ta chỉ cần xây dựng một hệ thống tốt, tự các thành phần bên trong nó sẽ tự biết hoạt động sao cho phù hợp. Điều này khiến tôi liên tưởng rằng, một hệ thống tốt, khi có thành phần nào đó mắc sai lầm mà thành phần đó bị tổn hại nhưng nó không làm hệ thống chết. Hệ thống sẽ tự khắc phục và trở nên mạnh mẽ hơn thông qua việc các thành phần khác học hỏi từ sai lầm đó. Các vụ tai nạn giao thông hay sự cố tắc đường ở các ngã ba, ngã tư không làm cho hệ thống giao thông bị ảnh hưởng toàn cục, nhưng từ những sai lầm đó, hệ thống giao thông đã tiến hoá hơn, không chỉ trở lại hoạt động bình thường mà còn mạnh mẽ hơn, giảm ùn tắc, giảm hậu quả tai nạn. Thậm chí ở đây hàm ý, các thành phần bên ngoài cũng không nên can thiệp vào hệ thống trừ khi thấy thực sự cần thiết, tự chúng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, đó như là một sự tiến hoá (Antifragile).

Cá nhân tôi khi trải qua những công việc mà áp lực, căng thẳng lớn khiến tôi mệt mỏi. Nhưng khi vượt qua nó thì lợi hơn hại rất nhiều. Những áp lực, căng thẳng tương tự tôi đều vượt qua được nó. Thậm chí, sau đó khi làm việc nhẹ nhàng, nhàm chán khiến tôi cảm thấy uể oải hơn nhiều. Những đứa trẻ không nên được bao bọc quá mức, hãy nghiêm khắc với chúng một chút để chúng có thể trưởng thành tốt hơn, tự chủ hơn. Học viên không nên ỉ nại vào sự hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc” của người dạy, hãy chủ động hết sức mình đối mặt với khó khăn, chạy đua với thời gian. Đâu đấy, đội nhóm nên cho phép sự xung đột giữa các thành viên được xảy ra, không kìm chế nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *