Review sách: Quản lý khủng hoảng và phát triển trong thời đại 4.0

Chắc hẳn 2 năm trở lại đây, ai ai cũng bị ám ảnh bởi Covid-19. Tại sao 1 con virus nhỏ bé lại có tốc độ lây lan nhanh như vậy? Nó ảnh hưởng đến những ai? Liệu có còn con virus nào khác trong tương lai không? Chúng ta cần làm gì để tồn tại qua giai đoạn này?
Hầu hết những câu hỏi trên được giải đáp trong cuốn sách “Khủng hoảng và phát triển doanh nghiệp trong thời đại 4.0” của Philip Kotler và John A. Caslione. Kotler được coi là cha đẻ của ngành tiếp thị hiện đại. Ông từng là cố vấn cấp cao cho nhiều thương hiệu hàng đầu thể giới như IBM, Ngân hàng Hoa Kỳ, Ford … John A. Caslione là chuyên gia về kinh tế toàn cầu, ông là sáng lập kiêm chủ tịch của hai công ti tư vấn GCS Business Capital và Andrew-Ward. Hai đồng tác giả đã giúp tôi phần nào giải đáp câu hỏi rất thời sự hiện nay : Làm thế nào để tồn tại và phát triển trong thời đại hỗn loạn hiện nay.
Ngay từ lời nói đầu, tác giả đã nhắc đến câu trả lời của Gary Becker (Nobel kinh tế) về câu hỏi: Khủng hoảng 2008 sẽ tác động sâu sắc như thế nào? Nó sẽ kéo dài bao lâu? Câu trả lời của Becker là: Không một ai biết, và tôi cũng không hơn gì họ, đừng tin một ai biết câu trả lời. Điều này làm tôi thức tỉnh ngay, loại bỏ ngay ý nghĩ “những chuyên gia hàng đầu, công nghệ AI có thể đưa ra những dự đoán chính xác về các khủng hoảng”.
Khái niệm đầu tiên tác giả nhắc đến là “Hỗn loạn”, nó chính là hình ảnh của thời đại 4.0. Khi mà toàn cầu hoá và công nghệ làm thế giới gần nhau hơn, ảnh hưởng nhau hơn. Cái đập cách của con bướm cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn bão. Ví dụ như trận sóng thần 2004 ở Ấn Độ Dương làm cả Châu Á hỗn loạn. Hay vụ chuyển nhượng của ngân hàng Bear Stearns năm 2008 là sự khởi đầu của vòng xoáy khiến thị trường chứng khoán thế giới rơi vào cảnh bầm dập tơi tả. Theo tác giả thì có 7 yếu tố chính có thể gây ra hỗn loạn ở thời đại này:
– Cuộc cách mạng thông tin
– Những đột phá công nghệ
– Sự trỗi dậy của các quốc gia
– Sự cạnh tranh
– Các quĩ đầu tư
– Môi trường
– Sức mạnh của khách hàng
Phần tiếp theo, tác giả chỉ ra đâu là những sai lầm của doanh nghiệp khi đối mặt với khủng hoảng:
– Làm suy yếu văn hoá và giá trị cốt lõi
– Cắt giảm chi tiêu trên toàn bộ hệ thống (bao gồm cắt giảm nhân sự)
– Cắt giảm chi tiêu cho hoạt động marketing
– Xa cách khách hàng
– Cắt giảm chi phí đào tạo
– Đánh giá thấp các nhà cung cấp và phân phối
Vấn đề mấu chốt tác giả muốn nhắc các ông chủ doanh nghiệp rằng: chúng ta muốn đứng ở đâu khi nền kinh tế trở lại. Với những sai lầm trên, các doanh nghiệp sẽ khó vực dậy và cũng rất khó để nắm bắt lấy cơ hội khi khủng hoảng đi qua.
Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tồn tại trong thời đại hỗn loạn này? Câu trả lời là xây dựng hệ thống quản lý Hỗn loạn, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng các tình huống chủ chốt, phản ứng chiến lược với mỗi tình huống và lựa chọn chiến lược phù hợp. Các rủi ro và tình huống mới sẽ được cập nhập vào hệ thống để giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững (BES). Và điều quan trọng nữa là sự thấm nhuần các hành vi chiến lược trong mỗi tình huống của lãnh đạo, nó sẽ tạo ra động lực và văn hoá giúp ta vượt qua sự hỗn loạn theo một cách có hệ thống (ảnh dưới).
Trong thời đại hỗn loạn, “bền bỉ” chính là yếu tố mấu chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, và cũng là tiền đề để doanh nghiệp vươn lên các đối thủ khác. Để làm được việc đó, hệ thống quản lý Hỗn loạn cần quan tâm đến các khâu:
– Tài chính và thông tin
– Sản xuất / Vận hành
– Thu mua
– Tiếp thị
– Bán hàng
– Nhân sự
Và cuối cùng là việc thình vượng trong kỷ nguyên nhiễu động. Tác giả trích dẫn một bàn luận về chiến tranh như sau: “Một người phòng thủ phải luôn tìm kiếm cơ hội để chuyển hướng sang tấn công, ngay khi anh ta đã đạt được lợi ích của phòng thủ”. Các hành động cụ thể cần thiết của doanh nghiệp để đạt được mục đích trên là:
– Làm cho chiến lược năng động hơn, tích hợp với các chu kỳ ngắn hạn hơn (3 tháng)
– Tạo điều kiện cho việc ra quyết định chéo trong tổ chức
– Chia tổ chức lớn thành các nhóm nhỏ hơn, “phẳng hơn”
Những doanh nghiệp trên đều có những đặc điểm sau:
– Nhạy cảm với thế giới xung quanh
– Có ý thức về danh tính của mình
– Chấp nhận các ý tưởng mới
– Cẩn trọng trong tài chính
Đây thực sự là cuốn sách HOW TO cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0 ngày nay để đạt được sự bền bỉ. Để hấp thụ và thực hành các bước đi chiến lược như tác giả đề cập không hề dễ. Có lẽ cuốn sách cần đọc lại nhiều lần để hiểu và thực hành ở DEHA anh chị em mình nhỉ.
Có thể là hình ảnh về văn bản

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *