Nỗi cực

Những tháng năm làm quản lí của mình, tôi không sợ dự án cháy, không sợ công ty khủng hoảng, không sợ khiển trách, cũng không sợ bị đuổi việc. Nhưng có một nỗi ám ảnh mà tôi muốn các bạn cùng đồng cảm với tôi, đó là nỗi sợ "đàm phán tăng lương".

Đó là một buổi họp đặc biệt, thường thì mỗi năm hai lần, tôi và các đồng sự của mình ngồi đối diện nhau trong phòng họp. Thường thì tôi là đại diện công ty để trao đổi về mức lương mới cho mọi người.  Đó là một cuộc nói chuyện hiếm khi mang tính xây dựng, cởi mở. Tôi thực sự thấy mệt mỏi và căm ghét những cuộc nói chuyện như thế.

Có một lần nọ. Tôi phải làm chuyện đó với một em gái X. Tôi và em X nhìn chung khá thân thiết, tôi phụ trách X ấy từ lúc em ấy mới vào công ty. Sau đó X làm với tôi 2 dự án. Đó là một bạn nữ nhanh nhẹn, nhiệt tình, thông minh và hoạt bát. Bạn ấy xinh xắn có background rất tốt và là người tôi rất để tâm hướng dẫn. (Sau này thì bạn ấy cũng lừa được một anh PM trong công ty làm chồng)

Ít phút trước đó, chúng tôi là một đội. Chúng tôi vừa release một dự án đêm hôm trước, cả nhóm đã ở lại làm muộn cả tuần và mọi người trong nhóm thực sự là đồng đội, chúng đã muốn kề vai sát cánh vượt qua nhiều khó khăn trong công việc. Tôi chúng tôi hiểu về cuộc sống và nỗi niềm cá nhân của từng thành viên và tôi cũng biết ít nhiều về X.

Và giờ, chúng tôi ngồi đối diện nhau và chuẩn bị tung đòn về phía nhau. Đó là hoàn cảnh thực sự lúc đó. Tôi đã làm nhiều cuộc đàm phán tăng lương, tôi đã chuẩn bị kĩ lưỡng. Tôi được giao chỉ tiêu tăng lương và nhiệm vụ của tôi là phải không được vượt quá chỉ tiêu này. 

Tôi tính toán để chắc chắn rằng cuộc đàm phán sẽ không thất bại về phía tôi. Khỏi phải nói sẽ nhọc công thế nào nếu mức tăng lương của ai đó vượt qua budget. Phải họp lại, phải đề xuất, phải giải trình, phải xin xỏ, và hơn hết nó có nguy cơ phá vỡ cấu trúc lương của công ty, chi phí sẽ tăng vượt kiểm soát và phải rất khó khăn để tiếp tục giữ được mức chi phí tổng… 

Một điều khó khăn nữa khiến cho việc xử lí ngoại lệ ít khi được áp dụng là dù chính sách công ty yêu cầu mọi người phải giữ bí mật về mức lương, nhưng thực tế, mọi người luôn dại dột public mức lương của mình. Và thực tế tôi chứng kiến nếu mọi người biết về ngưỡng tăng lương không đồng đều, chắc chắn sẽ gây ra những vấn đề trong nhóm, mất đoàn kết, kèn cựa, đùn đẩy trách nhiệm trong công việc. Tốt nhất là làm sao để mọi người đều nằm trong budget.

Sau các cân nhắc, tôi ấn định khoảng mong muốn của mình và bắt đầu.

Và … các bạn biết đấy, tôi sẽ đạt được mục tiêu đàm phán của mình. Trong cuộc trao đổi đó, X không có cơ hội để phản bác lại các đề xuất của tôi, vì tôi hơi già đối với những cuộc trao đổi như vậy. Với tôi, thế là xong một bạn, chuẩn bị cho bạn kế tiếp. Với X là một sự rối bời, những nỗi niềm không thể tả được.

Và với các bạn khác cũng thế. Trong ngày hôm đó, tôi đã trao đổi với gần chục người, tôi xong nhiệm vụ, về nhà và thấy trong lòng buồn bã. Tôi đã mất đi gần chục người bạn. Từ sau giờ khắc đó, họ với tôi là sếp và nhân viên, không phải là đồng đội trong cùng một chiến hào nữa.

Một vài bạn, cố giành một kết cục có lợi hơn đã đưa ra các thông tin về các công ty khác, trả lương cao hơn, các vị trí khác tốt hơn. Tất nhiên là điều đó có thể không hoàn toàn có thật vì tôi có thể kiểm chứng được và nó khiến tôi nghĩ hơi khác về các bạn ấy. Trước đấy ít phút thôi, các bạn ấy là những lập trình viên nhiệt tình và chăm chỉ, thật thà và chân thành. Sau khoảnh khắc đấy, đối với tôi các bạn ấy không còn là như thế nữa. Tôi cũng biết rằng, ít phút trước, tôi là một người em, một người anh anh, một người bạn, một đồng nghiệp, nhưng sau khoảnh khắc đó, tôi là một tên ông kẹ lưỡi dài mắt trợn tròn xoi mói, một hình ảnh đặc trưng của lũ sếp.

Buồn bực và uất ức, tôi luôn tự hỏi: Tại sao chúng ta phải đối xử với nhau như thế? Sao không có một thế giới xa xôi, nơi mà chúng ta tự lựa chọn, tự đánh giá, và tự thấy công bằng? Tại sao chúng ta không thể tự tạo động lực cho chính mình và thu được thành quả qua công việc mà phải làm trò đàm phán để được tăng lương? Tôi muốn mọi người vui vẻ hạnh phúc nhưng lại phải ngăn chặn điều sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn? 

Đó thực sự là một nỗi cực nhọc trong lòng. Tôi thực sự muốn bỏ hẳn đàm phán tăng lương. 

One Reply to “Nỗi cực”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *