Có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu

Sau “Năng Đoạn Kim Cương” thì tôi lại được tiếp cận một cuốn sách khó nhằn nữa. “Da thịt trong cuộc chơi”, một tác phẩm trong series Incerto (Tính bất định) của tác giả Nassim Nicholas Taleb. Da thịt trong cuộc chơi là một thuật ngữ không phải do tác giả tự nghĩ ra, nó cũng chưa được xác định rõ nguồn gốc, nó được phổ biến bởi Warren Buffett, một chuyên gia đầu tư. Da thịt trong cuộc chơi nghĩa là gì? Theo tác giả, nó liên quan đến tính đối xứng, thiên về sự chia sẻ thiệt hại, cùng chịu phạt nếu sai lầm xảy ra. Có da thịt trong cuộc chơi nghĩa là chia sẻ rủi ro và quyền lợi trong một hoạt động, mục tiêu nào đó. 

Tác giả có nói rằng, “sự đối xứng theo da thịt trong cuộc chơi được coi là nguyên tắc nền tảng cho các xã hội có tổ chức, hay thậm chí là bất cứ hình thái đời sống tập thể nào, trong đó một cá nhân tương tác hay tiếp xúc với những cá nhân khác nhiều hơn một lần. Nó phải tồn tại, nếu không sự sống sẽ bị huỷ diệt – sự đùn đẩy rủi ro sẽ làm nổ tung các hệ thống”. Điều này chứng tỏ rằng, tác giả rất nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đối xứng, hay chính là tầm quan trọng của việc tương xứng rủi ro, lợi ích của các thành phần trong một tổ chức. Cá nhân trong một tổ chức mà không có da thịt trong cuộc chơi, các rủi ro ẩn thật dễ dàng tồn tại và khó phát hiện, thường sẽ phải đến cuối chu kỳ tồn tại của tổ chức mới phát hiện ra. Ngoài ra, cá nhân thiếu da thịt trong cuộc chơi còn dễ khiến cá nhân đó đưa ra những quyết định có xu hướng xung đột với lợi ích nhóm, hay là những quyết định đó có thể gây ra thiệt hại cho tổ chức nhưng lại chẳng hề ảnh hưởng gì đến cá nhân đó. Với tổ chức cũng vậy, một tổ chức không có da thịt trong cuộc chơi sẽ khiến cho lợi ích không tương xứng với tổ chức và cá nhân.

Ví dụ, một anh chàng kỹ sư phần mềm tham gia chơi chứng khoán, khi nhận lời tư vấn của một chuyên viên tư vấn của công ty chứng khoán về việc đặt lệnh mua một cổ phiếu nào đó, giả sử rằng lệnh đã thực hiện và kết quả của giao dịch này là lỗ. Rõ ràng ở đây, người chịu rủi ro chính là anh chàng kỹ sư phần mềm, nếu khoản lỗ của giao dịch này anh kỹ sư chịu hết và kết quả đó cũng không ảnh hưởng gì đến công việc hay thu nhập của người tư vấn thì đó là không có da thịt trong cuộc chơi, còn nếu khoản lỗ của giao dịch này được chia tỉ lệ 50:50 cho cả chuyên viên tư vấn, hoặc chuyên viên tư vấn đó phải chịu rủi ro tổn thất về danh tiếng, thu nhập thì đó là có da thịt trong cuộc chơi. Lợi ích của da thịt trong cuộc chơi ở đây là gì? Vì có nó mà chuyên viên tư vấn sẽ cân nhắc hơn, cẩn thận hơn trong những quyết định tư vấn của mình cho khách hàng. Còn nếu không có, anh ta có thể đưa ra những tư vấn làm sao để anh chàng kỹ sư kia thực hiện lệnh và công ty có được khoản phí giao dịch. Cái này nó còn liên quan đến cả vấn đề đạo đức trong da thịt trong cuộc chơi.

Có thể hiểu:

  • Không có da thịt trong cuộc chơi: Giữ lấy phần lợi ích cho mình, đẩy phần thiệt cho người khác, có những sự lựa chọn kín đáo dựa trên sự thiệt hại của người khác.
  • Da thịt trong cuộc chơi: Giữ phần thiệt về mình, chấp nhận rủi ro của chính mình
  • Trên cả da thịt trong cuộc chơi còn có da thịt trong cuộc chơi của người khác hay còn gọi là linh hồn trong cuộc chơi: Nhận phần thiệt thay cho người khác, hoặc hành động vì các giá trị phổ quát. Các Nghệ nhân thường xuất hiện khi có linh hồn trong cuộc chơi

Taleb cũng nói “Sự phân quyền dựa trên ý tưởng cơ bản là làm những điều ngớ ngẩn ở cấp vĩ mô sẽ dễ dàng hơn so với ở cấp vi mô. Sự phân quyền làm giảm những sự bất đối xứng lớn về mặt cấu trúc”. Thông thường, chúng ta hay gặp loại cấu trúc tổ chức phân cấp nhiều tầng, việc ra quyết định từ cấp càng cao xuống cấp càng thấp thường không có da thịt trong cuộc chơi. Bởi lẽ, người chịu rủi ro, thiệt hại chính ở đây là cấp thấp, cấp đang trực tiếp thi hành các quyết định. Các cấp cao thường đùn đẩy rủi ro trong quyết định của mình xuống cấp thấp. Vậy là một hệ thống tốt ngoài yếu tố về “Động lực” cần phải có cả yếu tố da thịt trong cuộc chơi. Một hệ thống dù không được phân quyền và phân tán trách nhiệm, quá trình này vẫn tự diễn ra nhưng theo con đường gập ghềnh hơn: một hệ thống không có cơ chế da thịt trong cuộc chơi, với những sự mất cân bằng ngày càng gia tăng, rốt cuộc sẽ nổ tung và tự điều chỉnh theo hướng đó – nếu nó vẫn còn tồn tại.

Da thịt trong cuộc chơi là điều cần thiết, cá nhân tôi cũng đặt câu hỏi “Khi nào thì cần áp dụng da thịt trong cuộc chơi?”. Thật may tác giả cũng đã đề cập vấn đề này, không nên áp dụng nó, cùng với mọi chi tiết của nó, vào tất cả mọi thứ trong tầm mắt của chúng ta, đặc biệt là khi các hậu quả đã được kiểm soát. Điều này cũng có chút khiến ta mơ hồ, hậu quả thường khó dự đoán, và khi xảy ra cũng khó kiểm soát được, hoặc việc kiểm soát nó là mất nhiều thời gian.

Tôi có thể rút ra được một vài điều cho cá nhân “Không ra quyết định thay cho người khác nếu mình không có chia sẻ rủi ro với họ”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *