Code Fight – Chơi hay học?

Hôm nay thứ bảy rồi à? 

Sao anh không đến qua nhà thăm em

Anh hứa là đến chở em 

Đi ăn đồ lẩu, ăn kem nữa mà.

(。◕‿◕。)

Vâng, thứ bảy của người ta đó anh em ạ, lãng mạn biết chừng nào. Thằng thì dắt gấu đi ăn, thằng thì dắt chó đi chơi, thằng thì tìm nơi yên tĩnh để nghỉ. Còn chúng tôi, mỗi sáng thứ bảy lại “phải” cắp đít đến công ty. Bạn bè tôi nói tôi khổ, thứ bảy cũng phải đi làm. Tôi đáp lại họ rằng:” Tao thít thì tao đi làm thôi”. Tôi không tự đánh giá việc này là sướng hay khổ, các bạn hãy để lại ý kiến của mình ở phía cuối bài viết nhé!

Mỗi thứ 7, chúng tôi thường có các buổi trao đổi kiến thức về lập trình, kỹ năng làm việc nhóm sao cho hiệu quả. Thứ bảy tuần vừa rồi, chúng tôi chơi “Code fight“. Để có cái nhìn sơ bộ, tôi xin tường thuật lại một số điểm nóng của thứ bảy hôm đó.

Vừa bước vào phòng họp, lão dẫn chương trình (MC) hỏi mọi người:” Các em thít quãng thời gian nào nhất từ trước đến nay?”. Câu hỏi có vẻ hợp khẩu vị nên các anh em đang lim dim ngủ chuyển ngay sang chế độ chém gió bon mồm. Có bố trả lời là thít thời đi học để tán gái, có bố thì thít trở về tuổi thơ để nằm trong tay mẹ, có bố thì thít quãng thời gian đi làm vì được chủ động tiền nong. Nhưng xin lỗi các bố, các bố bị lão MC lừa rồi. Lão chỉ hỏi chơi để làm nóng không khí thôi. Nếu có ai hỏi lão câu hỏi này thì chắc chắn lão sẽ trả lời là :” Tao thít nhất quãng thời gian lừa được chúng mày”. Lão đểu là thế nhưng lại có cái hay, nếu không làm vậy thì có phải anh em đã ngủ gật ở phòng họp rồi không. Lần sau, lão có đặt câu hỏi thì anh em cứ tiếp tục “giả vờ” bị lừa nhé.

Sau khi anh em đã phê thuốc “lừa”, lão bắt đầu phổ biến luật chơi: Cuộc chiến có 2 hiệp, mỗi hiệp 45 phút. Hết hiệp một, đội nào nhất sẽ được ăn hoa quả, bọn còn lại sẽ phải ngồi nhìn. Rồi lão cử con bé hay ăn nhất công ty đi mua hoa quả. Trong lúc chờ đợi nó về, lão chia cả nhóm làm ba đội, mỗi đội ba người. Tôi xin tạm đặt tên 3 đội là: Chị Nhung Cảnh, Chị Nhung Cướp, Chị Nhung Con Tin (Do công ty tôi hay chơi CS vào giờ giải lao nên bị nhiễm :D). Tôi ở đội ( Chị Nhung Cảnh).  Mỗi đội cùng truy cập vào https://codefights.com để làm các bài toán nhỏ, phải làm xong bài này mới được chuyển sang làm bài khác. Đội nào đi được xa nhất sẽ là đội chiến thắng.

Bước vào trận đấu, đội tôi lướt đi như một cơn gió. Chúng tôi làm xong 5 bài trong khi 2 đội còn lại vẫn còn đang thích nghi với bài 1. Tôi thấy bọn họ có chút bối rối khi đội mình liên tục gọi ban giám khảo để ghi điểm.

Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của thành viên đội “Chị Nhung Cướp”
Đội “Nhung Con Tin” vẫn giữ được sự bình tĩnh và bàn bạc rất tỉ mỉ.

Tuy nhiên, khi tới bài bảy, đội tôi gặp một trục trặc làm cho cả đội dừng ở đó đến lúc hết giờ mà không tìm được giải pháp. Chúng tôi bị cuốn theo luồng tư duy cũ thay vì bình tĩnh và dò lại các thứ đã làm từ đầu. Lúc này, trong đầu chúng tôi chỉ toàn các câu hỏi :”Tại sao nhỉ?”, “Sao mình lại bị kẹt ở câu dễ thế này?”, “Hidden test như thế nào nhỉ?”. Đó là những câu hỏi không có đáp án tại thời điểm đó. Lẽ ra chúng tôi phải làm điều có ích hơn hoặc đơn giản là thư giãn để lấy lại sự thông thái. Trên khuôn mặt mọi người đã hiện rõ lên sự căng thẳng.

Anh phải xóa dòng này đi… Anh viết thế sai cmnr… Đưa bàn phím đây tao gõ cho… Ô mà đ** được anh em nhỉ? Thôi vứt cmn thứ điên rồ này đi.  Tao từ bỏ, đ** làm nữa đâu.

Trong khi đội tôi vẫn đang lan man với những câu hỏi không hồi đáp thì đội Nhung Cướp đã dùng tinh thần đoàn kết và sự tập trung để bứt phá lên. Họ mới chính là cơn gió chứ không phải chúng tôi. Họ là đội giữ được tinh thần trong suốt trận đấu.

Bình tĩnh – Tự tin – Chiến thắng

Trong giờ giải lao, đội dẫn đầu  gợi ý về vấn đề làm chúng tôi mắc kẹt trong quãng thời gian dài. Hóa ra, chúng tôi đã không đủ tỉnh táo để lường tất cả các trường hợp và thiếu một dấu “=”. Một dấu “=” dài 30 phút. Đó là một trường hợp khó nhưng tôi không thể phủ nhận sự thiếu “cẩn thận” của đội mình – Thứ mà Developer nào cũng nên có.

Qua hiệp hai, đội Nhung Con Tin vẫn giữ phương châm “Chậm nhưng chắc”, đội Nhung Cướp vẫn lướt như gió. Riêng đội tôi, chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng tâm lý từ hiệp một. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ độc lập, không bàn bạc cùng nhau nữa mà mỗi người sẽ viết code một lần. Điều này thể hiện sự không tin tưởng đồng đội, đồng thời làm cho thời gian giải quyết vấn đề tăng lên rõ rệt. Kết quả cuối cùng, đội Nhung Cướp thắng còn hai đội còn lại cùng về nhì. Nếu trận đấu càng kéo dài, tôi nghĩ chúng tôi sẽ dần tụt lại phía sau.

Qua trận đấu  đầy căng thẳng, một thanh niên tự tâm hự trên facebook cá nhân như sau:” Mỗi lần Coding Dojo hay Codefight xong là người mềm như sợi bún. Mình đúng là yếu như sên. Hu Hu.” – Đó, Code fight rõ ràng là có tác dụng mạnh mẽ phải không nào!

Cá nhân tôi, qua trận đấu hôm đó, tôi rút ra vài điều như sau:

  • Cẩn thận trong từng dòng code.
  • Khi gặp vấn đề bí bách, hãy giữ một cái đầu lạnh. Hễ bí bách là phải làm mát cái đầu nhé 😛 .
  • Luôn luôn phải giữ tinh thần đoàn kết. Bác Hồ đã dạy rồi:” Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết –  Thành công, thành công, đại thành công”.
  • Phải giữ tâm lý cho đồng đội. Nếu nó làm gì sai, hãy ghi ra cuốn sổ (thù), chờ lúc nó rảnh mang ra đọc cho nó nghe.

Kết thúc buổi Code Fight  hôm đó, tôi vẫn ra ăn hoa quả đội chiến thắng rồi mau mải đạp con Lamborghini đi đón gấu. Bước ra khỏi cánh cửa công ty, tôi vứt bỏ mọi nặng nề mình vừa trải qua. Chim vẫn hót, chó vẫn sủa và tôi vẫn yêu đời :D.

Trên đây là một trong những ngày thứ bảy của tôi ở công ty. Các bạn cảm thấy thế nào? Code Fight là học hay là chơi? Cùng bình luận ở cuối bài viết nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *