DEHA hiện nay có hơn 60 người làm việc. Vì thế việc thay đổi nhân sự trong công ty bắt đầu nhiều dần dù chiếm một tỉ lệ bé. Mỗi người một mục đích sống riêng, nên việc ra đi thường là điều không thể tránh khỏi. Bản thân tôi sau khi gắn bó rất lâu với một công ty, cũng có lúc phải ra đi để tìm chân trời mới cho bản thân mình.
Đời tôi làm công việc liên quan đến nhân sự cũng ngót nghét 8 năm có lẻ, cũng từng chứng kiến và chia tay nhiều người và cũng nhiều hạng người. Có người thanh cao, có người vi hàn, có người chơi đẹp và cũng lắm kẻ bẩn tính.
Tôi có chứng kiến một trường hợp nghỉ việc rất kì khôi. Số là bạn ấy được qui hoạch vào vị trí quản lí của công ty. Sau khi bàn bạc công ty quyết định đầu tư cho đi học, trả lương cho bạn ấy trong thời gian học với lời hứa làm việc lâu dài của bạn ấy (tất nhiên, bạn ấy đã nắm được đầy đủ chính sách lương và qui trình tăng lương của công ty). Dựa trên lời hứa và cam kết của nhân sự, phòng nhân sự đã làm một thủ tục thường qui yêu cầu bạn ấy hoàn trả chi phí học, bao gồm chi phí lương trong thời gian bạn ấy đi học nếu nghỉ việc trước 6 tháng sau khi kết thúc thời gian học. Việc cam kết này không nhằm mục đích chốt giữ nhân sự để làm việc như nô lệ, vì 6 tháng là đến một kì xét tăng lương mới với mỗi cá nhân. Mục đích lớn nhất của nó là để người đi học ý thức rõ được sức nặng lời hứa của mình và thu hồi tối thiểu quĩ đào tạo. Việc kì khôi ở chỗ, sau khi kết thúc thời gian học, chưa đến 6 tháng, các bạn đã xin nghỉ và “tìm ngay” được chỗ có mức lương tốt hơn. Chưa vội bàn việc có mức lương cao hơn đó là do được đào tạo hay thực sự chính tài năng của các bạn ấy (từ trên trời rơi xuống chăng?!?) mà việc đáng nói ở đây là bạn ấy không muốn bồi hoàn chi phí học. Với nhiều lí lẽ khác nhau như gia đình em khó khăn hoặc trong thời gian học em cũng vẫn làm dự án rất tốt cho công ty, nếu phải trả lại chi phí thì lương em còn thấp hơn cả bác giúp việc…
Tôi ví việc này như chuyện thằng em của tôi đi tới phòng khám để “tìm” bệnh, chi phí niêm yết rõ thì dù có tìm được bệnh hay không thì cậu ấy vẫn phải trả tiền. Đó là cam kết. Dù rằng cậu ấy tới phòng khám mang lại công ăn việc làm cho nhân viên phòng khám, tự đi chứ không cần người dìu, hơn nữa lại làm thủ tục rất nhanh nhẹn, mà cuối cùng không tìm ra bệnh, thì cậu ấy vẫn không được giảm giá. Cho dù người cao tuổi được giảm giá thì cũng không thể mang họ ra để so sánh được.
Việc nghỉ việc của các bạn ấy mang lại một số tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho công ty. Đầu tiên, những người khác sau này đế được đi học chắc chắn sẽ khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn và làm hỏng kế hoạch của họ. Thứ đến công ty bị vỡ kế hoạch đào tạo, phải chi thêm tiền đào tạo bổ sung và tuyển dụng thêm người để đảm bảo công việc. Cuối cùng, việc một nhân sự được coi trọng nghỉ việc, thì dù lí do là gì cũng làm ảnh hưởng tâm lí người ở lại. Những “khoản” đó, các bạn ấy không phải chịu. Giờ các bạn ấy đang vui duyên mới, có biết đâu người tình cũ vẫn đau đáu, day dứt không thôi, họp lên họp xuống, báo cáo báo chồn để rút kinh nghiệm!?!
Thế nhưng, cuộc chia tay in đậm làm tôi nhớ nhất, thì là lúc tôi chia tay người ta, bác chủ nhà trọ của chúng tôi. Khi tôi và người yêu cũ thành vợ chồng, chúng tôi tạm biệt chỗ bác chủ nhà để đi ra nơi khác. Bao năm sống với gia đình bác tình cảm dành cho nhau như bát nước đầy. Lúc chia tay, chúng tôi ngồi uống nước, bác kể lại chuyện từ khi chúng tôi với vào, khuyên bảo chúng tôi sống tốt rồi giúp chúng tôi chuyển đồ đạc. Phần tiền nong vợ chồng tôi còn thiếu bác cứ không chịu nhận, làm chúng tôi áy náy lắm. Đi xa rồi, tết đến, chúng tôi vẫn dắt các con đến chỗ bác chơi. Bác cháu làm vài chén rượu, hỏi han nhau, quan tâm nhau về cuộc sống. Tôi quí bác không phải vì vài trăm nghìn bác cho chúng tôi, mà vì bác sống tình cảm, có trước có sau. Bác ấy làm nghề xe ôm, nhưng nhân cách của bác thanh cao hơn nhiều kẻ tri thức đít chai mà tôi biết.
Một chuyện khác, ở công ty cũ. Tôi có nhận được một báo cáo rất nghiêm trọng về một anh team lead tập sự. Điều tra kĩ thì thấy có hiện tượng đó thật. Tôi đang hướng dẫn anh làm TL nhưng không còn cách nào khác, đành phải nói chuyện với anh ấy dừng việc đào tạo lại. Tất nhiên là anh ấy sẽ nghỉ việc. Lí do cũng rất rõ ràng: “Mình không thể phát triển ở công ty nữa rồi, lần này coi như đã hết cơ hội”. Anh ấy lên kế hoạch bàn giao công việc, báo cáo về việc bàn giao, sau đó đi xin việc ở công ty khác. Việc anh ấy nghỉ, tuyệt nhiên không tiết lộ với ai, công ty có quyền chủ động trong việc thông báo, tránh ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác. Sau cùng, ngày chia tay, anh ấy tới chào tạm biệt các anh em TL khác, các quản lí, những người thân thiết rồi lặng lẽ ra về. Chúng tôi không ai nợ ai điều gì, và nhiều năm sau, nghe tin anh cưới vợ, chúng tôi lũ lượt tới chúc mừng. Chúng tôi vẫn là bạn bè và tôn trọng nhau hết mực.
Có những bạn trẻ cũng rất biết cách chia tay. Một lần nọ, bạn trẻ ấy sau một năm làm việc tại công ty, tới gặp tôi và bảo: “Em muốn nghỉ việc vì em cần mức lương cao hơn ở đây nhiều”. Tôi có hết lời khuyên can, nhưng thực sự khó thay đổi được vì bạn ấy chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Sau cùng bạn ấy nghỉ việc, một cách rất bài bản. Sau này tôi có hỏi: “Em được training ở đâu mà khi nghỉ việc lịch sự thế?”. Bạn ấy nói một câu làm tôi thấy rất chí tình: “Em chả được training ở đâu cả, cũng chả có sách vở nào dạy về việc này. Em chỉ nghĩ là, làm sao khi em ra đi ít gây thiệt hại cho công ty nhất, nghĩ sao thì em làm vậy thôi”. Sau này, bạn ấy quay lại công ty làm việc vì đã trải đủ sự đời. Thật tuyệt vì chúng tôi vẫn tôn trọng và vẫn sẵn sàng yêu lại từ đầu.
Chia tay mà biết cách thì cũng giải quyết được nhiều vấn đề. Cô bạn làm cùng phòng nhân sự với tôi trước đây, có một lần gặp riêng tôi và bảo: “Tao có mấy vấn đề thế này mày ạ. Tao mất động lực, không tiến bộ nhiều… Tao cần một công việc khác”. Tôi cùng bàn bạc với bạn ấy, cuối cùng hai đứa thống nhất được cần thay đổi phòng nhân sự, nếu thành công, bạn ấy sẽ ở lại. Thật tuyệt là sau đó chúng tôi làm với nhau rất lâu sau đó, bạn ấy rất vui, ngoài những tiến bộ thì thu nhập cũng theo đó mà chuyển biến. Giờ đây, có khó khăn gì, chúng tôi vẫn ới nhau. Thật vui. Tôi thấy, có nhiều cách để giải quyết, đâu cứ gì cứ âm thầm nghỉ việc.
Lẽ thường ở đời như vậy nhưng không phải ai cũng tỏ. Công ty là miếng cơm manh áo của nhiều chục mạng người, là sự nghiệp của nhiều người, là sinh mạng của khối người khác. Thế nên khi mình chia tay, cái nơi từng là miếng cơm manh áo của mình, cái nơi mà – đối với với nhiều người – từng giang tay ra dạy dỗ giúp đỡ chúng ta khi ta còn trứng nước. Nay khi ta có lông có cánh có thể bay được thì khi bay đi, có lẽ nên làm điều tối thiểu cho phải đạo: “Gây ít thiệt hại nhất cho công ty”.
Mỗi một nhân sự nghỉ việc, với công ty là một tốn thất không hề nhỏ. Đầu tiên phải tính đến là công ty phải bù đắp nhân sự thiếu hụt, chi phí đó tốn tối thiểu là gấp 3 lần chi phí cho một nhân viên thông thường, chưa kể chi phí tuyển dụng và thời gian các bộ phận, con người khác phải bỏ ra để xử lí chuyện nghỉ việc.
Thứ đến phải tính ra là chi phí, công sức bỏ ra, tính được và không tính được, cho bạn ấy để đào tạo, chăm sóc… coi như đi tong. Phần đó, đáng nhẽ phải dành cho người khác đang lăn lộn trong các chiến hào dự án thì coi như ra đi không hoàn lại. Chưa kể đến việc công ty, hoặc nhóm của bạn ấy, có thể đã có kế hoạch phát triển, sắp xếp bạn ấy vào một vị trí trong tương lai. Nay phải thay đổi kế hoạch. Vừa phải tuyển người thay thế, vừa phải sắp xếp đào tạo lại hoặc tuyển bổ sung người trong tương lai. Tốn kém là một nhẽ mà rủi ro thì vô khối.
Cơ mà có những thằng sếp cũng mất dạy, có những công ty cũng không ra gì. Một người chị của tôi không may làm ở một công ty vi phạm pháp luật, không đào tạo nhân viên, lợi dụng nhân viên… Những trường hợp đó thì có nên “trả thù” cho bõ ghét không? Tùy suy nghĩ của bạn thôi, nhưng nếu một con chó cắn bạn, bạn có cắn lại nó cho bõ ghét không? Bà chị kia bảo rằng, sống thấy vui là được, gặp phải những chỗ như thế thì rời đi sớm, coi như chuyện không may.
Gặp nhau thì vui lắm, yêu nhau thì mặn nồng lắm, nhưng sống với nhau sao cho phải đạo, chia tay nhau sao cho đúng tình thì mới là quan trọng. Dù bạn có đi đâu, làm gì, thì trái đất này vẫn tròn. Bạn sẽ gặp lại người ta, sớm thôi, thế nên khi chia tay làm sao để có thể tới bắt tay nhau một cái cho dễ, thế có vui hơn không?
Đối với DEHA, nếu bạn có vấn đề khúc mắc hãy gặp quản lí nói chuyện tỏ tường. Chắc chắn quản lí sẽ xoắn lên để cùng bạn giải quyết. Nếu không thể, hãy bàn đến việc ra đi, nếu ra đi hãy lên kế hoạch bàn giao lại công việc để mọi việc được êm đẹp. Một tháng là thời gian tối thiểu, nhưng chưa chắc đã đủ vì thế cần có kế hoạch thật tốt. Cuối cùng lúc ra đi, đừng tỏ ra hả hê, thích thú vì trả được mối thù. Tôi tin rằng quản lí ở DEHA này đủ tử tế để các bạn tin cậy và tôn trọng. Hãy giữ kín việc ra đi, để công ty có thời gian thu xếp cho việc đó và dành thời điểm thích hợp để thông báo. Ngày đi, nhớ “tặng quà” cho “thầy nửa chữ” của bạn, tạm biệt bạn bè thân và ra đi thật khẽ. Các buổi tiệc chia tay linh đình và ầm ĩ có lẽ không nên làm, trừ khi quản lí của bạn muốn thế. Nếu vẫn ở lại, bạn sẽ vẫn được cất nhắc, tôn trọng thôi nên đừng lo lắng, cũng chả có sổ đen nào, lãnh đạo chân chính của DEHA không có thời gian ủ thù vì còn bận xây dựng một công ty hạnh phúc.
Đời tôi làm công việc liên quan đến nhân sự cũng ngót nghét 8 năm có lẻ, cũng từng chứng kiến và chia tay nhiều người và cũng nhiều hạng người. Có người thanh cao, có người vi hàn, có người chơi đẹp và cũng lắm kẻ bẩn tính.
—–
Chắc phải xem lại cái kinh nghiệm 8 năm có lẻ làm nhân sự rồi. Từng đấy thời gian mà vẫn gặp tình huống này thì chắc cần phải xem lại năng lực nhìn người của bản thân. Lỗi có lẽ không phải tại mỗi mình bạn kia, mà lỗi tại cả người cử bạn kia đia đi học.