Homo Sapiens – Phần I – Cách mạng nhận thức

Homo Sapiens, Yaval Noah Harari (24/02/1976) là giáo sư lịch sử tại Trường Hebrew Jerusalem. Yaval đã viết ra một tác phẩm rất đáng chú ý Sapiens (Nguyên nghĩa: Loài người tinh khôn, được Omega+ cùng Nhà xuất bản Tri Thức dịch ra tiếng Việt dưới cái tên Lược sử loài người).

Tác phẩm được chia thành năm phần rất kịch tính, mỗi phần mô tả một giai đoạn, một trạng thái lớn trong lịch sử phát triển của con người. Xuyên suốt tác phẩm, tôi đoán rằng tác giả đang cố gắng trả lời cho câu hỏi: Con người đã thay đổi nhận thức về bản thân như thế nào trong suốt lịch sử của mình? Đây thực sự là một câu hỏi nặng tính triết lý, nhân sinh hơn là một câu hỏi lịch sử. Quả thật, tác phẩm Homo Sapiens dễ được xem là một tác phẩm lịch sử với lối viết theo dòng thời gian, mô tả các sự kiện lớn nhỏ. Nhưng đọc thật kĩ, ta nhận thấy tác giả đã ẩn giấu những ý tưởng tinh tế của mình trên nền những thông tin lịch sử. Sự nhập nhằng của tác phẩm, vừa lịch sử học, vừa nhân loại học, vừa triết học tạo nên sự hấp dẫn có một không hai của tác phẩm này. Đó là cái đặc biệt của tác phẩm khi so sánh với Súng, vi trùng và thép cũng như Loài tinh tinh thứ ba của Jared Diamond. Vì lí do đó, tôi thích cái tên sách nguyên nghĩa: Người tinh khôn, hơn là Lược sử loài người.

Trong phần một, tác giả đã cố gắng dọn vén để vừa chuẩn bị cho chúng ta một nền tảng ý tưởng về cuốn sách, vừa tạo ra một sự độc lập nhất định đối với các phần sau.

Phần này, tác giả đã làm hai việc quan trọng: Thứ nhất, tác giả đã nhẫn tâm lột bỏ toàn bộ lớp áo mĩ miều và cao quí của loài người để chúng ta có thể sáng tỏ “sự bình thường”, thậm chí có phần hơi ghê tởm, của loài người trong suốt chặng đường tiến hóa. Thứ hai, mô tả sự thay đổi lớn mang tính cách mạng mà từ đó con người tinh khôn đã trở thành loài thống trị trái đất, đứng đầu chuỗi thức ăn.

Ta có thể thấy trong tác phẩm rằng, khoảng 2.5 triệu năm về trước, chi Homo đã xuất hiện và phát triển ở châu Phi. Do một sự kiện tự nhiên nào đó, những con vật thuộc họ Linh trưởng từ bỏ cuộc sống trên cây, chuyển xuống mặt đất, đi bộ bằng hai chân trên đồng cỏ. Dường như việc đi bộ bằng hai chân sẽ giúp chúng có tầm quan sát rộng hơn trên đồng cỏ, nhìn thấy thú dữ và chạy trốn tốt hơn do đó tồn tại tốt hơn. Việc đứng thẳng tình cờ làm giải phóng đôi tay khiến những con Linh trưởng này dùng tay vào nhiều việc khéo léo hơn như cầm nắm vũ khí, tạo tác đồ vật… Điều đó khiến cho não bộ của chúng phải phát triển hơn và làm tăng kích thước hộp sọ. Việc tăng kích thước hộp sọ lại khiến cho não mở rộng khả năng và qua đó lại giúp cho đôi bàn tay thêm khéo léo hơn và phải đánh đổi bằng những cái giá khá đắt về việc sử dụng năng lượng và sinh sản. Lũ vượn này buộc phải sống dựa vào nhau để kiếm mồi và chăm sóc con cái, tiến hóa cá nhân chuyển sang tiến hóa bầy đàn. Khiến chúng phát triển năng lực bầy đàn, điều đó giúp chúng phát triển năng lực phát tín hiệu cho nhau nhằm hỗ trợ cho việc săn bắn và hỗ trợ nhau, cái đó là ngôn ngữ. Nhờ sự phát triển về trí óc và ngôn ngữ, bầy đàn vượn người này di cư khắp nơi và chinh phục nhiều vùng đất trên thế giới. Người Homo Neandethanlesis ở Châu Âu, Homo Erectus ở Châu Á, Homo Soloesis ở Đông Nam Á, Homo floresiensis ở đảo Flores, Indonesia… Và, cuối cùng là, Homo Sapiens ở lúc bấy giờ ở Đông Phi. Cái giống cuối cùng ở Đông Phi, vì một lí do đặc biệt nào đó đã phát triển những kĩ năng bầy đàn đặc biệt, kĩ năng tán gẫu, kể chuyện, giúp chúng có thể dễ dàng cộng tác tạo thành những bầy hàng trăm con thậm chí còn có sự cộng tác giữa hai bầy với nhau. Từ đó giúp chúng có sức mạnh thống  trị. Chúng có thể buôn bán trao đổi hàng hóa, có thể lập ra các liên minh, tổ chức những lực lượng đông đảo có thể đi săn và tiêu diệt các giống loài khác. Loài Homo sapiens trong quá trình chinh phục cả thế giới của mình đã tiêu diệt và đồng hóa tất cả giống Homo khác. Ngoài phạm tội diệt chủng, Homo sapiens còn là kẻ tàn phá tự nhiên khủng khiếp. Bất kì nơi nào loài người đi qua, đều tình cờ xuất hiện một đợt diệt chủng hàng loạt và rộng lớn rất nhiều loài động vật. Thường là các loài thú lớn, có thể cung cấp nhiều thịt, lông và xương. Sự xuất hiện của loài người rất ngắn ngủ nhưng đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của địa cầu, những loài vật khác trong tự nhiên, đã tiến hóa để thích ứng với mọi điều kiện tự nhiên, nhưng chưa bao giờ gặp mặt những kẻ xâm chiếm tàn độc này, vì thế đã lần lượt biến mất vĩnh viễn trên trái đất.

Ảnh: Tác phẩm “Echo” – Tiếng vọng, liên quan đến một câu chuyện thần thoại

Lúc này, với năng lực tán chuyện của mình, một năng lực bầy đàn rất đặc biệt, loài người đã dần chinh phục thế giới về mặt địa lý. Nhưng lúc này, con người săn bắn hái lượm vẫn rất phụ thuộc vào thiên nhiên, do không kiểm soát được thiên nhiên mà gần như hoàn toàn sống phụ thuộc vào nó. Năng lực kể chuyện cộng với năng lực tư duy biểu tượng khiến cho con người kể cho nhau nghe những câu chuyện thần thánh, trong đó coi những cái cây ngọn cỏ, tảng đá, cái núi là những vị thần, thuyết vật linh bắt đầu từ thủa sơ khai là công cụ đắc lực tăng năng lực cộng tác, gia tăng niềm tin, tạo nên các qui chuẩn cộng tác giúp loài người mở rộng năng lực cộng tác ra thành khổng lồ. Không phải lửa, không phải vũ khí, không phải công cụ làm nên sức mạnh của loài người tinh khôn, mà chính là các vị thần. Cuộc cách mạng đầu tiên của loài người không phải là cuộc cách mạng công nghệ sử dụng lửa hay công cụ, như những cuộc cách mạng sau này, mà chính là cuộc cách mạng nhận thức, một cách tư duy mới tình cờ khiến cho loài người mở rộng năng lực cộng tác, năng lực bầy đàn và qua đó giúp loài người chinh phục thế giới.

Điều này, dường như đi ngược với các nhận xét từ xưa đến nay, trong đó đánh giá cao vai trò của trí khôn (sapiens), hoặc khả năng sử dụng công cụ, lửa, nông nghiệp đến sự phát triển của loài người tinh khôn. Logic này khiến ta có thể phải đặt tên lại cho loài Homo sapiens, có lẽ nên đặt tên chúng là Homo fabulans thì hơn.

Nói chung, các ý tưởng của chương một thì rất hấp dẫn, nhưng nói chung vẫn chưa làm tôi thỏa mãn hoàn toàn. Hiện nay, chỉ có một giống người duy nhất làm chủ hầu hết trái đất, điều này không hề hợp lí chút nào nếu dùng các lập luận được miêu tả phía trên kia. Rõ ràng là, các lập luận đó chỉ lí giải tại sao loài người thống trị trái đất, chứ không thể hiện được hiện thật là tại sao chỉ DUY NHẤT loài người hiện nay thống trị trái đất. Nhiều loài vật cũng sống trong điều kiện y hệt loài người, cũng cần cộng tác, cũng cần nuôi dạy con cái, cũng cần mở rộng bầy đàn và cũng có đầy đủ công cụ ngôn ngữ, não bộ… để phát triển năng lực kể chuyện. Vì sao điều kiện tự nhiên cho phép nhiều loài cùng sở hữu những năng lực giống nhau, ví dụ năng lực bay tiến hóa độc lập ở loài dơi, các loài chim… Nhưng chỉ có loài người tiến hóa năng lực kể chuyện? Nếu năng lực đó được mô tả là ưu việt, như ở đây, giúp loài người có sức mạnh cộng tác khổng lồ, thì theo thuyết của Darwin, nó phải xuất hiện ở rất nhiều loài nữa có cuộc sống bầy đàn chứ? Tại sao những con cầy hương có khả năng đứng thẳng, sống theo bầy, sống theo những cặp vợ chồng trọn đời và các gia đình cầy hương sống gần nhau, y như xã hội loài người nguyên thủy, lại không phải là loài có khả năng kể chuyện?

Nhìn chung, chương một khá hay, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nội dung chương này không có gì quá mới mẻ và xa lạ. Tuy vậy cũng không thể phủ nhận vai trò kể chuyện của Homo sapiens Y. N. Harari. Lối kể chuyện hài hước, logic chặt chẽ, lỗi dẫn đề rất hấp dẫn thọc sâu vào sự tò mò của khán giả đại chúng, khiến cho hầu hết mọi người khi đọc những câu chuyện này đều thấy rất hấp dẫn, bản thân tôi khi đọc tác phẩm này, có cảm giác những điều Y. N. Harari nói như là chuyện mới. Một chương rất hay để tóm lược những hiểu biết mới nhất của nhân loại về sự tiến hóa và vai trò của con người đối với sinh quyển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *