Có một lần, dịp tết, ông bà già giao cho tôi nhiệm vụ lau sạch các song cửa. Tôi lau xong, ông già xem thì mắng cho tôi một trận, ông bảo: “lau cái cửa thì phải lau cho tử tế không thì làm được việc gì cho đời đâu!!!!” (kèm theo cái véo tai đau tợn). Thế là tôi phải lau lại, quả thực để lau cái song cửa cho tử tế cũng rất gian nan. Có nhiều loại bụi bẩn và vết bám, nhiều khe kẽ. Tôi lau cho tử tế theo yêu cầu của ông xong thì cái song cửa như mới sơn lại. Đó là việc tử tế đầu tiên tôi làm trong đời.
Tuổi 30+ rồi nhưng làm một việc cho tử tế với tôi vẫn khó lắm thay. Liệu chúng ta có bao giờ tự hỏi: “Chúng ta có phải là một nhân viên tử tế trong mắt sếp không?”. Dù có tài năng cỡ nào, giữ chức vị nào, chúng ta cũng phải là một nhân viên. Làm nhân viên mà không tử tế thì còn làm được cái gì cho đời nữa?
Nhân viên tử tế không nói xấu sếp
Đối với nhân viên thì việc nói xấu sếp là việc tối kị, dù là nói xấu trước mặt hay nói xấu sau lưng.
Bạn có thể nghĩ rằng, thẳng thắn với sếp là tốt nhưng người khôn ngoan hiểu rằng, ai cũng có sai lầm và khuyết điểm, nhiều khi là cố hữu khó sửa. Nhưng hãy thử nghĩ bạn có ưng cái loại sếp làm gì cũng giỏi, nói gì cũng đúng không? Sếp kiểu đó thì chẳng cần khiến bạn làm nhân viên làm gì!?!. Có người xếp giỏi luôn bảo: thôi để anh làm cho xong, thành ra nhân viên rất là nhàn, nhàn đến nỗi phải bỏ việc tìm sếp ngu hơn. Tôi luôn tâm niệm rằng: “Sếp tất nhiên phải ngu, nhân viên tất nhiên phải giỏi”. Mình giỏi hơn sếp là việc bình thường, có gì ghê gớm đâu mà phải nói ra rồi chê bai, nhiếc móc cái xấu xa của sếp cho sếp nghe. Tốt nhất là luôn chấp nhận mọi sai lầm thường nhật của sếp, rồi lợi dụng việc đó mà thể hiện năng lực và sự xốc xáo, tháo vát của mình. Như thế việc chung sẽ thành mà ta cũng được sếp ghi nhận, yêu quí, năng lực sẽ phát triển mà quan lộ cũng rộng mở.
Nói xấu sếp sau lưng càng tệ. Vừa làm mất tinh thần tập thể, vừa khiến sếp phải bỏ thời gian xử lí việc truyền thông, PR hình ảnh. Thêm thay, bức vách có tai, sếp kiểu gì cũng biết được (một người có kinh nghiệm 5 năm làm sếp cho biết) thì thật là mất vui cả nhà. Tôi chắc chắn rằng không một thằng sếp nào lại tiến cử cái cậu chuyên đi nói xấu mình sau lưng.
Người tử tế không nói xấu người khác một cách vô lí, chắc chắn là như vậy.
Nhân viên tử tế trung thực với sếp
Sếp giỏi là sếp biết nhận ra điều đúng để cùng giải quyết, sếp kém sẽ lợi dụng thông tin để trục lợi nhưng về lâu về dài sẽ huỷ hoại bản thân và tổ chức. Người trung thực sẽ được gặp và làm việc với sếp giỏi vì mã tầm mã ngưu tầm ngưu mà.
Trung thực là nói đúng sự thật, không ít hơn mà cũng không nhiều hơn. Nói đúng về mình, về công việc, về hiện trạng. Nói một cách chủ động chứ không chỉ chờ đợi hỏi mới nói. Người trung thực khác người thật thà ở chỗ, người thật thà nói ra những gì mình nghĩ, người trung thực nói ra những gì hiện trạng đang có.
Sự trung thực sẽ xây dựng niềm tin của sếp với chúng ta, trung thực còn giúp sếp hiểu rõ hiện trạng và cùng ta khắc phục xử lí. Khi việc chung đã thành, thì gái có công tất chồng chẳng phụ.
Nhân viên tử tế luôn giúp sếp thăng tiến
Làm việc với lão sếp hãm tài đứng ì một chỗ thì đến khi nào mình mới thành đạt được? Sếp phải thăng tiến thì mới có chỗ cho mình. Vậy kẻ khôn ngoan sẽ luôn giúp sếp thăng tiến.
Tôi luôn tâm niệm rằng: “Sức của mình, công của sếp”. Làm sai thì nhận lỗi do sơ suất, đạt thành quả thì nhận định là do chỉ đạo tài tình. Sao? Có ai thắc mắc à? Ô!!! thế mới là nhân viên quí. Nhân viên quí sẽ được trọng dụng, được giao phó, được đào tạo, được thành tài.
Nhân viên tử tế lãnh đạo sếp
Nhân viên lãnh đạo sếp, tại sao không? Khỏi cần ba hoa bạn có tài lãnh đạo gì cho mệt, sếp chính là chuột bạch cho bạn thể hiện và rèn dũa năng lực đó. Kết quả được thể hiện qua mức độ tin cậy của sếp dành cho bạn và sự thành công trong sự nghiệp chung của tổ chức.
Nhưng dù sao, thì sếp cũng là người ra quyết định và phải chịu trách nhiệm cuối cùng với các quyết định đó. Bạn phải luôn tìm cách để định hướng cho sếp để sếp có thể ra những quyết định đúng đắn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến bạn và tổ chức.
Điều đó có nghĩa là, trong mọi thông tin mà bạn cung cấp cho sếp, luôn cần phải có định hướng cho sếp xử lí vấn đề được lồng ghép dưới dạng các “tư vấn”. Sếp chắc chắn không thể có giải pháp tốt bằng bạn được, vì bạn hiểu thực tế nhiều hơn sếp.
Cuối cùng, bạn có thể chờ đợi một ông sếp tài năng, hiền lành tốt bụng như ông bụt. Hoặc bạn có thể tự làm nên tương lai của chính mình. Cuộc sống là không chờ đợi các bạn ạ. Hãy tuyển dụng, định hướng, đào tạo, phát triển sếp của mình. Người tử tế, không so đo chuyện hơn thua lặt vặt, người tử tế hiểu người thắng cuộc là cười cuối cùng.
Bài viết rất bổ ích,nhất là với một người ít tuổi như e :v