Làm thế nào để được tăng lương?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG?

Trước hết, để được tăng lương thì phải biết nịnh sếp, cho nên các bạn hãy đọc bài này của ông anh tôi, người anh cùng họ khác bố mẹ

http://134.209.103.32/seal.deha.vn/noi-cuc/.

Quay lại chuyện lương, ở công ty tôi khi là nhân viên chính thức thì cứ 6 tháng bạn sẽ được mời đi tăng lương, vậy là 1 năm 2 lần tăng. Và nếu như bạn đã đọc bài trên hoặc đã từng được mời đi tăng lương thì bạn cũng biết là mỗi lần trao đổi, Checkpoint là một lần căng thẳng, khổ cực cho cả 2 bên, là một lần bạn mất đi 1 hoặc vài người bạn,  vài nhân viên vì nó không chỉ sứt mẻ tình cảm, mà thậm chí không thoả thuận được sẽ có người out khỏi công ty. Doanh nghiệp nào rồi cũng sẽ vậy, thế giới mà ông anh tôi mong ước cũng khó thực hiện.

Cứ coi như trao đổi lương là một cuộc đám phán đi, vậy bạn đã biết cách đàm phán chưa? Tôi nghĩ là chưa, đa số các cuốn sách hay bài báo bạn đọc về đàm phán đều khá chung chung, thậm chí chiến thuật cũ rích, đòn tâm lý thì quá quen thuộc, nói thật ông anh tôi ông ấy biết tỏng và bạn sẽ chẳng bao giờ dành được phần thắng nếu trao đổi với ông ấy. Vậy hết cách sao? Tôi nghĩ là không, dù ông ấy có cáo tới mấy thì “nho vẫn còn xanh lắm”. Vậy nếu bạn có hứng thú thì cùng tôi tạo ra thế giới mà ông anh tôi mong ước nhé. Đầu tiên tôi sẽ liệt kê ra một số thứ mà nó chẳng có tác dụng gì cả

1. Những chiêu cũ rích trong đàm phán lương.

Một năm bạn gặp người deal lương với bạn 2 lần, nhưng người ấy có thể phải gặp vài chục tới cả trăm người một năm. Nếu xét về kinh nghiệm, người ta hơn bạn, xét về chiến thuật, bạn còn phải chạy xa. Dưới đây là một số chiến thuật thương lượng mà tôi cho là khá cũ mà bạn không nên áp dụng cho tốn thời gian

“Không tăng lương thì em nghỉ việc”: Tai hại, người ta sẽ nghĩ bạn thật trẻ con, chắc chắn là ăn giáo huấn rồi. Nếu bạn cương quyết quá thì đa số sẽ là “Mời em nghỉ”. Vì trong một doanh nghiệp đông người, tôi được dậy rằng tổ chức không bao giờ được phụ thuộc vào 1 hoặc 1 vài cá nhân. Cho nên, dù CEO hay Co-Founder có ra đi cũng không gây ảnh hưởng gì tới doanh nghiệp chứ đừng nói là một nhân viên. Quên việc gây áp lực đó đi.

“Có một công ty khác trả em mức cao hơn”: Tai hại lần 2, bạn thể hiện quá rõ rằng bạn làm việc chủ yếu là vì tiền. Bạn sẽ sẵn sàng nhẩy nếu như người ta deal cho bạn mức lương thấp hơn một công ty khác. Tất nhiên nếu đang cần người ta có thể cho bạn mức lương bạn muốn, nhưng khi họ không cần cũng có thể dễ dàng cho bạn out. Mọi thứ đều có 2 mặt.

“Em làm như thằng A mà lương nó cao hơn lương em”: Tai hại lần 3, chết cả đôi, tự nhiên tiết lộ là 2 thằng trao đổi mức lương cho nhau. Chắc chắn cả 2 sẽ vào tầm nhắm trong lần trao đổi tiếp theo. Cứ tin là thế đi, mặc dù đôi lúc không tới mức thế. Ha Ha. Bảng lương, chi tiết lương là những thứ tối mật của công ty, có rất nhiều vụ việc đáng tiếc vì bảng lương của nhân viên bị Can Lộ Lộ. Có thể người ta không nghĩ bạn và bạn A trao đổi với nhau mà nghĩ bạn Hack máy tính của sếp rồi xem trộm thì sao? Mấy tay Coder sao mà biết được. Nguy hại, nguy hại.

“Gia cảnh nhà em thế này, thế kia…”: Lương lậu là để đánh giá con người dựa vào kỹ năng, sự công hiến… không phải vì gia cảnh. Nhiều lúc mấy ông sếp còn nghèo hơn cả mình ấy chứ, xét gia cảnh chắc các ông ấy không đủ tiền mà trả nhân viên vì tự trả cho mình cũng hết rồi…

Còn nhiều, còn nhiều nữa nhưng tạm liệt kê ra vài cái hay gặp.

2. Bản chất về lương của bạn.

Bạn có bao giờ thắc mắc lương của mình từ đâu mà ra không?

Với các công ty làm gia công sản xuất, dễ dàng nhìn thấy đó là tiền khách hàng trả cho công ty, và sau đó công ty trả cho mình.Nhưng không phải lúc nào cũng thế, ví dụ các công ty về Product, họ chạy cả chục năm vẫn lỗ, lúc này lương của bạn là từ nhà đầu tư và doanh thu từ bán, cho thuê sản phẩm. Cũng có nhiều công ty, đầu tư không có, khách hàng thì không, lương của bạn sẽ là tiền mua sữa cho con, đưa vợ đi Shopping hoặc tiền vừa bán cái chung cư để Startup của mấy ông sếp.

Dù tiền đó từ đâu thì với một doanh nghiệp lương là một loại chi phí. Nếu đã là chi phí thì bạn phải biết rằng, với những nhà quản trị việc giảm chi phí và tăng lợi nhuận, mở rộng quy mô là việc sống còn của họ, cũng là sống còn của tổ chức. Một công ty mà quanh năm thua lỗ, thu không đủ chi thì chắc vài năm là dẹp tiệm (Trừ trường hợp các Startup tung tiền thâu tóm thị phần).

Vậy giảm chi phí có đồng nghĩa với giảm lương? 

Tất nhiên là có bao gồm, ví dụ như công ty đuổi bớt 1 số ông làm việc vớ vẩn, việc nhẹ lương cao, cắt giảm nhân sự, chi phí vận hành một số mảng làm ăn kém hoặc không tăng lương khi tới kỳ cho một số nhân viên… Những việc đó người ta gọi với từ mỹ miều là “Tái cấu trúc doanh nghiệp”. Nhưng đó không phải là tất cả.

Lương là thứ duy nhất bạn được nhận từ công ty?

Không, lương là chỉ là khoản tiền mà bạn sẽ được nhận trên hợp đồng mà thôi. Chi phí cho một nhân sự tại công ty sẽ bao gồm một vài khoản tương đối như sau

Chi phí cho 1 nhân sự 1 năm = Lương * 12 tháng + thuế + bảo hiểm + thưởng cuối năm + tiền thưởng dự án + team building + máy móc + tiền thuê văn phòng + tiền đào tạo + khám chữa bệnh …

Liệt kê ra thì mỏi tay mới hết được chi phí cho một nhân sự. Bạn thấy đó, lương chỉ là một phần mà thôi. Tựu chung lại thì những thứ trên gọi là thu nhập, nên tại sao ngân hàng trả cho 3-4tr một tháng mà ai cũng muốn vào, vì thực tế thu nhập rất cao, hay nôm na là lâụ cao.

Lương Gross và NET là gì?

Lương Gross là lương đã bao gồm cả tiền bảo hiểm và thuế và một số thứ mà doanh nghiệp sẽ giữ lại của bạn (Nơi có nơi không). Ví dụ công ty trả lương Gross cho bạn là 10tr thì sau khi trừ bảo hiểm và thuế theo quy định của nhà nước bạn sẽ chỉ còn đâu đó khoảng 8tr5 mà thôi.

Lương NET là lương mà thực tế mỗi tháng, tin nhắn ngân hàng báo cho bạn vào 1 ngày cố định nào đó.

Tổng kết lại một chút thì lương là chi phí của doanh nghiệp, thu nhập bao gồm lương và nhiều thứ khác nữa.

3. Thay đổi cái nhìn về lương

Khi bạn đã đọc hết phần 2 rồi thì có thể rút ra được một vài kết luận

– Lương là chi phi của doanh nghiệp, giảm chi phí thì giảm nhân sự, giảm lương, không tăng lương….

– Thu nhập gồm lương, và có thể cao hơn lương, nên nếu một công ty có lương thấp nhưng tổng thu nhập lại cao thì đó không phải là vấn đề trừ khi nó làm ăn phi pháp.

– Lương bao gồm Gross và NET, nhiều người thắc mắc tại sao deal lương 10tr mà lại chỉ được nhận có 8tr5 thì đây là lí do.

Tới đây rồi thì có vẻ vẫn chưa đì vào vấn đề làm sao để được tăng lương nhỉ? Cứ bình tĩnh bạn hiền.

Nói về cắt giảm chi phí, cắt giảm lương và nhân sự là một việc tồi tệ nhất của bất cứ một doanh nghiệp nào. Nếu phải làm việc đó thì một là doanh nghiệp đang rất gặp khó khăn, 2 là nội bộ khả năng cao có vấn đề. Nếu gặp tình cảnh đó, thì tôi sẽ nói với bạn ở một bài viết sau.

Vậy đứng ở góc độ nhà quản trị, ta phải làm sao để vừa tăng lợi nhuận mà lại tối thiểu được chi phí? Đây là một câu hỏi mà không nhà quản trị nào có thể trả lời tức thời được. Mỗi năm công ty sẽ có một đợt họp hội đồng quản trị, cuộc họp này có thể kéo dài vài ngày tới cả tháng nhằm mục đích đưa ra được một Kế hoạch kinh doanh. Đây giống như là một bản mô tả chi tiết nhất mọi hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn. Và tất nhiên, chi phí là thứ đặc biệt được lưu tâm trong bản Kế hoạch kinh doanh này. Trong đó bao gồm chi phí lương cố định, chi phí lương cho nhân viên mới, chi phí dùng để tăng lương. Và hầu như mọi chi phí đều đã được cố định bởi một con số tổng cụ thể và có thời gian giải ngân cụ thể. Nếu đã đọc bài của ông anh tôi ở trên thì bạn sẽ thấy rằng Budget cho việc tăng lương là một con số cố định và việc của người Deal lương là làm cho tổng tiền tăng của nhân viên đợt này không vượt quá Budget cho phép của bản Kế hoạch kinh doanh.

Vậy Budget là cố định thì lương sẽ được tăng như thế nào?

Tôi không biết, vì tôi không phải ngươi cuối cung quyết định xem lương của tôi hay của bạn là bao nhiêu. Nhưng tôi biết rằng, người quản trị chỉ quan tâm tới việc cân đối thực – gỗ, à nhầm, là chi phí và lợi nhuận. Ta biết rằng Lợi nhuận = Doanh thu – chi phí – thuế, mà thuế do nhà nước quy định, bạn không thể mặc cả được. Như vậy, để tăng lợi nhuận thì có phải chỉ cần giảm chi phí đi là xong không? Nhưng chi phí ảnh hưởng nhiều tới lương mà giảm đi thi anh em kêu chết. Vậy giờ chỉ còn cách, với chi phí đó, ta phải tăng được doanh thu lên, sẽ giải quyết được bài toán.

4. Làm sao để tăng doanh thu.

Câu hỏi này có vẻ đội Sales trả lời sẽ chuẩn hơn, nhưng để tăng doanh thu thì cơ bản có 2 cách, một là phải tăng được lượng sản phẩm làm ra với cùng 1 chi phí, hai là mở rộng sản xuất và nhân sự. Tuy nhiên, cách thứ 2 sẽ chịu khá nhiều rủi ro vì một công ty phát triển quá nhanh trong khi các trụ cột không vững sẽ dễ sụp, nói sơ sơ là vậy, nên việc mở rộng công ty sẽ diễn ra khá từ từ, tuy nhiên do mở rộng quy mô sản xuất nhân sự để tăng doanh thu  thì chi phí cũng tăng, vậy thì việc tối ưu hoá lợi nhuận cũng gần như không thực hiện được, chẳng qua là gia tăng công cụ sản xuất thì được nhiều hơn chứ tỉ lệ vẫn thế, và lương của anh em sẽ vẫn vậy, không có gì đột phá cả do công ty phải trả lương cho quá nhiều người và phải đề phòng nhiều rủi ro tài chính nên có khi còn tăng chậm hơn so với công ty khi còn nhỏ. Vậy còn với cách 1? Sản phẩm của chúng ta ở đây là phần mềm. Bạn thử hình dung, thay vì mỗi ngày bạn chỉ X1 bản thân để Code bạn sẽ X2, X3 mình lên để Code thì điều gì sẽ xảy ra? Năng xuất tăng mạnh hơn, sản phẩm là ra tốt hơn, thời gian Release sớm hơn, khách hàng Happy hơn, mọi thứ đều làm cho doanh thu tăng. Nhưng làm thế là bạn phải OT, bán máu, thực tế bạn chỉ cần làm việc nghiêm túc 6-7h một ngày thì năng xuất của bạn đã khác hẳn rồi. Như vậy, nếu lương bạn 10tr mà bạn làm việc với năng xuất của người có lương 20tr, thì công ty của bạn sẽ có thêm doanh thu 10tr/tháng, nếu 100 người như bạn thì thử hình dung xem?

Tuy nhiên để tăng năng xuất, cách làm việc bán máu như vậy không phải cách hay, nó chỉ là nhất thời, con người đâu phải máy mà có thể làm cường độ liên tục như vậy được. Đây là lúc bạn cần phải gia tăng việc tự học, tự thực hành ngoài giờ làm. Người ta thường nói ai cũng có 24h, ngày làm 8 tiếng, ngủ 8h còn 8h còn lại ăn, chơi, giải trí. Và 8h đó mới quyết định bạn là người như thế nào. Theo một thống kê nhỏ của cá nhân tôi, cứ 1h tự học của tôi sẽ tiết kiệm được cả chục giờ làm việc. Ví dụ đơn giản, trước một dự án sử dụng công nghệ gì đó mới, tôi sẽ bỏ ra vài tiếng tới vài ngày ở nhà học trước, khi bước vào dự án, tôi tự tin làm chủ công nghệ và hoàn thành công việc với tốc độ nhanh hơn => năng xuất của tôi tăng nhanh hơn. Trong lúc rảnh tôi lại truyền đạt lại cho đồng nghiệp, bạn bè và cũng giúp năng xuất của họ tăng cao hơn.

Với những nhà quản trị, họ áp dụng các mô hình phát triển phần mềm tiên tiến như Agile/Scrum/Kanban/Lean mục đích cuối cùng cũng chỉ là để tăng năng xuất và giảm rủi ro mà thôi.

5. Làm sao để được tăng lương?

Nói dài quá giờ mới tới phần chính. Như ở trên, chi phí là cố định và doanh thu có thể được tạo ra nhờ tăng năng xuất làm việc như vậy thì lương cũng đâu có tăng? Bạn đừng lo, vì lợi nhuận sẽ tăng do doanh thu tăng, mà lợi nhuận của năm trước đôi khi sẽ được dùng để làm chi phí cho năm sau nếu như công ty đang trên đà phát triển mạnh, người ta gọi nôm na là xoay vòng vốn đầu tư. Có vẻ vẫn chưa liên quan tới tăng lương nhỉ? Thực ra, lương được trả cho bạn bằng việc đánh giá bạn trong quá trình làm việc, cho nên bạn chỉ cần tích cực học tập để gia tăng năng lực sản xuất của mình lên thì nhà quản lý sẽ biết đây là lúc cần tăng lương cho bạn vì điều bạn làm đã đóng góp mạnh vào việc tăng doanh thu và lợi nhuận của tổ chức. Một khi công ty có nhiều tiền, các sếp không phải bán sữa của con để trả lương cho bạn, hay vừa mua lại được căn nhà mà hồi trước bán đê Startup thì tự nhiên lương của bạn sẽ tăng thôi.

Để được tăng lương chỉ có vậy thôi.

Trên đây là cái nhìn chủ quan của tôi từ khía cạnh nhân viên và cả khía cạnh của những nhà quản trị mà tôi học được. Hy vọng rằng thế giới mà ông anh tôi mong ước sẽ sớm trở thành hiện thực vì các bạn, những người luôn cần mẫn, xả thân, kiên trì sẽ thực hiện nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *