Ngoại truyện 1 : Những ngôi đền bùng cháy
Trong bóng đá, người ta luôn nói chúng ta cần thi đấu với một trái tim nóng và cái đầu lạnh. Nhưng với những fan hâm mộ cuồng nhiệt của làng túc cầu, trong sâu thẳm trái tim họ không thể thiếu những tượng đài luôn bùng cháy trong mỗi trận đấu. Họ, là những người luôn đứng trước đồng đội trong những pha tranh chấp, luôn tiến về phía trọng tài đầu tiên trong những pha thổi phạt, và hơn hết luôn là một điểm tựa không thể thiếu cho cả một đội bóng. Trong mắt NHM, họ đem lại sự bùng cháy và niềm tin, còn trong giới chuyên môn họ là một mảnh ghép không thể thiếu. Có lẽ chỉ những người am hiểu về bóng đá mới hiểu được rằng, sự xuất hiện đúng lúc của họ sẽ làm giảm nhịp độ tấn công hưng phấn của đối phương, hoặc là một sự nhắc nhở cho trọng tài biết rằng, không thể bắt nạt đội bóng – nơi mà họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân nhiệt huyết nhất. Hãy cùng Mintaro điểm lại những ngôi đền luôn bùng cháy ấy.
Roy Keane
Khi người ta nhắc đến sự thành công của MU trong suốt một thập kỷ, đâu đó sẽ xuất hiện hình bóng của thế hệ vàng 92, nơi đào tạo nên những David Beckham, anh em nhà Neville, Paul Scholes, Nicky Butt hay Ryan Giggs , hoặc đơn giản là sự thành công của Sir Alex Ferguson. Nhưng với những fan hâm mộ trung thành, hình tượng làm nên cái tên quỷ đỏ, không phải ai khác mà là con quỷ đầu đàn – Roy Keane.
Trung thành, gai góc, tài năng, khùng điên đó là những mỹ từ người ta dành cho người đàn ông đến từ vùng đất Ireland lạnh giá. Keane đến Old Trafford năm 1993 và từng bước trở thành đại ca trong phòng thay đồ của Man Utd. Và dù kết cục của mối quan hệ giữa anh với Ferguson không tốt đẹp mấy, đã có lúc họ thật sự là một cặp thầy trò hoàn hảo. Keane đến từ CH Ireland, Ferguson là người Scotland, và họ cùng chinh phục Ngoại hạng Anh, một câu chuyện quá hào hùng. 12 năm một mối tình, đã được anh thể hiện trong cuốn tự truyện của mình, và khi rời xa MU, anh đã phải thốt nên rằng đó là ngày bóng đá trở lên vô vị nhất.
NHM nhắc đến Keane còn nhắc về pha bóng làm gẫy chân và tiêu tan sự nghiệp của Alfie Haaland. Nguyên nhân mâu thuẫn giữa 2 cầu thủ xảy ra rất lâu từ trước đó, năm 1997 trong trận đấu giữa MU và Leeds. Keane có tình huống phạm lỗi từ phía sau với Haaland nhưng lại dính chấn thương đầu gối khá nặng ở cú tiếp đất. Lúc đó Haaland bật dậy, buộc tội anh giả vờ và điều ấy khiến tiền vệ người Ireland không thể nào quên. Đội trưởng của MU phải đợi 4 năm sau mới có cơ hội để trả đũa đối phương với một cú đạp bóng mang tính triệt hạ. Keane nhận thẻ đỏ trực tiếp cùng án treo giò 3 trận với vỏn vẹn 5.000 bảng tiền phạt. Anh đã viết trong cuốn tự truyện “HiệpHai” của mình rằng : Tôi đã chờquá lâu để được gặp lại, và đó là cái giá phải trả. Bóng đá vốn là như vậy, trắng là trắng, đen là đen, biết chưa thằng đàn bà. Đừng bao giờ đứng trên đầu người khác và bảo rằng người ta chỉ giả bộ chấn thương.
Nhiều người nể anh, nhưng cũng có những kẻ ghét anh, họ bảo anh điên. Nhưng với phần đông những người theo dõi anh, NHM luôn hiểu anh không phải nổi loạn như Mario Balotelli mà anh đang theo đuổi chính nghĩa tuy rằng bảo vệ nó một cách quá vụng về.
Patrick Vieira
Cho đến tận thời điểm này, khi nhắc tới cái tên P.Vieira, các Gooners luôn tự hào mình đãcó được vị thủ lãnh vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Anh là vị thủ lĩnh máu lửa nhất và toàn năng nhất của Arsenal dưới thời Wenger. Những chiếc thẻ đỏ, tinh thần của một chiến binh và lối thi đấu rực lửa, là một đe dọa với bất kỳ một tiền vê trung tâm nào của đối thủ, ngần đó là quá đủ để nói về Patrick Vieira.
Nhưng còn hơn thế, Vieira mang trong mình một thứ còn lớn hơn cả khả năng chuyên môn, đó chính là phong thái của một thủ lĩnh. Trong khi những ngôi sao như Dennis Berkamp, Thierry Henry hay Robert Pires đều gặp khó khăn trong những ngày đầu tại Arsenal thì dường như Vieira lại vượt qua áp lực một cách dễ dàng. Đó là tư chất đã có sẵn trong con người Vieira, giống như cái cách anh trở thành đội trưởng của Cannes khi mới chỉ 19 tuổi. Mùa giải 1996/1997 đó, Pháo thủ chỉ về đích ở vị trí thứ 3, nhưng các Gooners vẫn tràn đầy niềm tin. Với sự xuất hiện của Arsene Wenger và Patrick Vieira, họ biết đội bóng đang chuẩn bị bước sang một trang sử mới. Để rồi anh đã đem về pháo thủ 3 chức vô địch Premier League, 4 cup FA. Cùng với đồng đội anh đã tạo lên một chuỗi trận bất bại dài nhất trong lịch sử NHA. Cho đến bây giờ, dù là Cesc Fàbregas, Van persie hay Ozil, Gunner cũng không thể tìm được một vị thủ quân đúng nghĩa cho mình.
Vào mùa hè 2002, Vieira chính thức tiếp quản chiếc băng đội trưởng sau khi Tony Adams giải nghệ, đồng thời tạo ra cuộc chiến với Roy Keane và từng bước đưa nó lên một tầm cao mới. Chưa bao giờ người ta hết hứng thú khi Vieira và Keane chạm trán ở hai đầu chiến tuyến. Đó là cuộc chiến của những cá tính mạnh, những người đội trưởng mẫu mực và cũng là hình ảnh đại diện cho cuộc chiến giữa hai thế lực thống trị giải Ngoại hạng. Keane và Vieira thỉnh thoảng để cho cái tôi và cơn giận đưa mình đi quá xa, kết quả là những chiếc thẻ đỏ và những án phạt. “Nhưng điều tôi thích nhất ở Keane
là cái tính không nói nhiều”, Vieira nhớ lại “Anh ấy bị đạp thì sẽ đạp lại, không có phàn nàn, la hét hay mách trọng tài. Và khi Keane đạp lại, anh ấy cũng sẽ chờ đợi bạn đừng phàn nàn gì cả”. Đã một thập kỷ trôi qua kể từ ngày cả hai cùng rời nước Anh. Nhưng chưa bao giờ Man Utd và Arsenal thôi nhớ về họ. Cả Ngoại hạng Anh nói riêng và châu Âu nói chung cũng thế, bởi những trận đấu của hôm nay, dù vẫn hay, đã không còn rực lửa, không còn buộc người ta phải gật gù thừa nhận: “Bóng đá là môn thể thao dành cho những người đàn ông”, như cái thuở hai chiến binh trên còn đụng độ nảy lửa trên sân cỏ.
Sergio Ramos
Trên đời này không có thứ gì gọi là hoàn hảo. Bóng đá cũng như vậy. Luôn có thứ bóng đã đẹp và hoa mỹ, nhưng cũng luôn tồn tại cái gọi là “ Kẻ thù của bóng đá đẹp”. Người ta cũng gọi anh – Thiên tài trong lốt một kẻ côn đồ – Ramos bằng những từ đầy cảm xúc như thế.
Ramos đơn giản là cầu thủ vĩ đại về chuyên môn, hiếm có ai làm được như anh ở thời điểm này. Anh có khả năng chơi bóng bổng thuộc hàng siêu đẳng không kém Canavaro, anh chỉ huy hàng phòng ngự không thua gì thủ lĩnh Franco Baresi, và ghi bàn thậm chí còn xuất sắc hơn Fernando Herro. Nhưng cái làm người ta nhớ đến đội trưởng của cả Real và đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha là hình ảnh của một chiến binh không bao giờ chịu thua cuộc. Nếu hỏi bất kỳ một ai đã từng ra sân trong màu áo của một đổi tuyển nào đó, từ những đội bóng của thôn, xóm hay đến đội bóng của quốc gia, cái gì là quan trọng nhất, đơn giản chỉ là 2 từ Chiến Thắng. Ramos thi đấu cũng chỉ vì hai từ đó. Anh sẵn sàng lao vào triệt hạ đối thủ để ngăn chặn một tình huống tấn công, anh cũng bằng lòng khi đem mình ra làm lá chắn để từ chối một bàn thắng, hay là bỏ ngoài tai lời chỉ đạo từ HLV để nhắc nhở đối thủ thi đấu đàng hoàng. Có anh, Luka Modrić yên tâm đề tấn công, Marcelo thoải mái để leo biên, Ronaldo tự tin để ghi bàn và họ tạo thành một tập thể không thể đánh bại trong suốt thời gian 2015-2018.
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, anh đã có 4 lần vô địch La Liga, 4 lần vô địch Champion League, 2 lần vô địch Châu Âu và 1 lần vô địch WorldCup. Người ta còn nhắc đến anh với 107 bàn thắng ở mọi cấp độ đội tuyển. Ramos không chỉ là một hậu vệ tài năng, một thủ quân gan góc mà còn là một tiền đạo siêu đẳng.
Mặc dù người ta thương nhắc đến 24 thẻ đỏ và số thẻ vàng không thể đếm được của anh, nhưng chính điều đó đã đem lại thành công cho các đội tuyển anh thi đấu. Người Tây Ban Nha vẫn theo dõi anh hàng ngày, và họ yên tâm rằng, phía sau vẫn có một chiến binh căm ghét sự thất bại đang giúp họ giữ vững những thành quả của mình.
Chung Nờ vê
Nếu như nói ở Deha, ai là người dành cả tình yêu và cuộc đời của mình cho trái bóng, tôi xin tự tin nói rằng, đó là Chung NV. Không sinh ra trong một gia đình thể thao, cũng không phải sinh ra trong một đất nước có truyền thống về túc cầu, nhưng ChungNV mang trong mình một mối tình mãnh liệt với sân cỏ. Anh đã từng thi đấu cho rất nhiều đội tuyển như FC Bụng phệ, VF Vnext, FC Hà Đông. Nhưng chỉ khi đến với Deha, NHM mới thực sự nhận ra hình ảnh của một ngôi đền huyền thoại luôn bùng cháy dữ dội.
Là một trong những thành viên gây dựng lên đội bóng Deha, Chung Nờ Vê đã thi đấu qua cả hai vị trí quan trọng nhất, tiền vệ phòng ngự và trung vệ. Nếu như trong mùa bóng 2017-2018, anh là trái tim của đội tuyện khi vừa lên công, vừa về thủ một cách nhịp nhàng thì trong mùa bóng này, anh đảm nhiệm vị trí chốt chặn hàng phòng thủ. Ở anh, người ta nhìn thấy sự chắc chắn của một người anh, một điểm tựa vững chắc cho các đồng đội. Khi có anh ở sau lưng, những tiền vệ tài hoa của Deha mới dám tự tin thi đấu. Nhìn số 12 của Deha thi đấu, người ta lại nhớ đến sự dũng mãnh của đội trưởng Sami Hyypia trong số áo 12 của Liverpool, hay là Như Thuần – hậu vệ số 12 của thế hệ vàng bóng đá VN. Khi lên tấn công, đâu đó là bóng dáng bước chạy Thierry Henry hay là những pha đánh đầu ghi bàn dũng mãnh của Olivier Giroud, những số 12 huyền thoại của Arsenal.
Với tài năng và tình yêu cháy bỏng cùng khát khao chiến thắng mãnh liệt của mình, ChungNV đang từng bước đưa Deha đi những bước đi vững chắc trong giải đấu Jo-Cup. Có thể đôi lúc, NHM nhìn thấy những phút giây mệt mỏi của anh, nhưng ngay sau đó hình ảnh mang tính biểu tượng của Deha lại xuất hiện trở lại, ngăn chặn những đợt tấn công của đối phương, chuyền những đường bóng như đặt cho hàng tiền đạo. Anh, là đại ca trong phòng thay đồ như RoyKeane, là thủ lĩnh tinh thần như Vieira, luôn căm ghét thất bại như Ramos. Và NHM luôn tin tưởng, khi có anh Deha luôn tìm được đường đến Chiến Thắng, vì đơn giản – nhà của anh ở đường Chiến Thắng .
Bóng đá là thế, luôn có mặt đen, mặt trắng nhưng những phím đàn piano. Nhưng chính vì thế, khúc nhạc mới hay và đi vào lòng người. Hãy luôn yêu họ, những ngôi đền bùng cháy của bóng đá.
Xem thêm kỳ 1 : Sự chuẩn bị đầy đủ nhứt
Xem thêm kỳ 2 : Ra quân