Đồng nghiệp là người mang đến nhiều điều ý nghĩa với cuộc sống. Những người bạn cùng trang lứa, người anh người chị, người thầy hay tri kỷ cùng làm việc được gọi chung là “đồng nghiệp”. Ở môi trường công ty, dù chúng ta có cùng hoặc không cùng làm một công việc nhưng luôn có những sự tương tác, những giao tiếp hàng ngày và để những giao tiếp giữa các đồng nghiệp thêm tốt đẹp, thêm thoải mái thì chúng ta hãy xây dựng nó nhé.
Menu
1. Nói chuyện bằng thái độ cởi mở, chân thành
Bản chất người Việt là rất sợ mất lòng nhau mà nhiều khi đã nói dối làm mất đi sự chân thành. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ chân thành và cởi mở là cách ứng xử cơ bản nhất trong giao tiếp.
2. Tôn trọng đồng nghiệp và cấp dưới
Đồng nghiệp hay cấp dưới đều là những người mà bạn thường xuyên tiếp xúc trong công việc. Tôn trọng họ là cách ứng xử quan trọng mà bạn cần phải nắm vững. Không nên khoe khoang tiền lương, thưởng hay tự cho mình là giỏi hơn so với đồng nghiệp, cũng không nên tự ti vì thành tích của mình không bằng họ mà cần coi đó là động lực để cố gắng hơn.
3. Hạn chế tán gẫu quá nhiều
Công sở là nơi để làm việc, không phải là nơi tán gẫu. Tất nhiên trong suốt 8 tiếng, việc thi thoảng thả lỏng và trò chuyện một chút với mọi người xung quanh là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đừng nên quá lạm dụng chúng, đừng biến mình thành bà “tám” nơi công sở. Việc nói quá nhiều trong môi trường làm việc vừa làm bạn mất điểm trong mắt đồng nghiệp, cấp trên, vừa ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của bạn.
4. Tránh nói xấu, chia kết bè phái trong văn phòng
Nói xấu hay chia kết bè phái là điều tối kỵ ở bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi gặp bất đồng hay khó chịu với bất kỳ cá nhân nào trong công ty, cách ứng xử trong giao tiếp tốt nhất là bạn nên nói thẳng với họ. Việc nói sau lưng không những không giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn khiến bạn gây ác cảm với những người xung quanh.
5. Không khoe khoang tiền lương, thưởng
Việc bạn khoe khoang về lương hay tiền thưởng với đồng nghiệp sẽ khiến bạn trở nên thiếu tế nhị và tự bạn có thể cô lập bạn với mọi người. Câu chuyện lương và thưởng là vấn đề rất nhậy cảm và hãy chia sẻ cùng với người đồng nghiệp là sếp làm việc trực tiếp hoặc người quyết định mức thu nhập của bạn để vấn đề đó của bạn được giải quyết hơn là làm phức tạp vấn đề đó lên.
6. Ứng xử thông minh với cấp trên
Một nhân viên muốn được sếp tin cẩn và đánh giá cao bạn nên trình bày thẳng thắn, rõ ràng các chính kiến của mình trong công việc. Hãy tiến hành thực hiện công việc với sếp của bạn trên tinh thần cùng hợp tác và phát triển.
7. Làm việc hết sức, chơi hết mình
Khi bạn đã xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc và mang lại những kết quả khá khả quan thì tại sao lại không cùng các đồng nghiệp mình “xả tress” nhỉ? Bạn nên tham gia hết mình vào những hoạt động do công đoàn công ty tổ chức, chính lúc này bạn sẽ khám phá được những điều thú vị từ đồng nghiệp của mình.
8. Biết giữ bí mật
Môi trường công sở không chỉ là nơi làm việc mà còn có thể mang đến cho bạn những mối quan hệ tốt đẹp và hơn cả thế chính là những người bạn thân. Họ sẵn sàng chia sẻ với bạn mọi chuyện trên đời từ công việc, cuộc sống cho đến những chuyện riêng tư. Nếu may mắn gặp được những người bạn như vậy hãy tuyệt đối trân trọng nhé. Bạn nên tôn trọng và tuyệt đối giữ bí mật những điều họ đã nói với bạn. Hãy biết những gì nên nói và không nói, tránh lan truyền cho cả văn phòng.
9. Nói “Cảm ơn”
Trong công việc cũng như trong cuộc sống không tránh khỏi những khó khăn, những bế tắc. Vào lúc này, ít nhiều cử chỉ và hành động tốt của đồng nghiệp giúp trực tiếp hay gián tiếp để hỗ trợ mình xử lý vấn đề gặp phải thì đừng ngại nói “Cảm ơn” vì điều đó.
Thật khó để tạo được lòng tin nơi người khác, chỉ cần một lần ứng xử vụng về sẽ khiến người khác hay đồng nghiệp có ấn tượng không tốt về chúng ta. Mỗi người trong chúng ta cần khéo léo trong cách ứng xử với đồng nghiệp của mình. Hi vọng với những lời khuyên ở trên chúng ta sẽ luôn có những cử chỉ, ứng xử tốt đẹp với nhau.