Phản tỉnh – Reflection

Thật sự phấn khích khi viết về chủ đề này. Tìm trên mạng cũng không thấy bao nhiêu tài liệu, nên mình mạn phép chỉ nói về những gì mình hiểu và những thực hành của bản thân về phản tỉnh thôi. Có gì chưa đúng mong cả nhà góp ý.

Thì câu chuyện là gì. Vào một ngày đông có nắng hạ, công ty mới mời thầy Dương Trọng Tấn đến dạy anh em về “Học cách học”. Cả buổi thầy và anh em hào hứng với các chủ đề cần thảo luận, riêng mình vẫn ngẫm nghĩ chuyện thế gian. Thế rồi một câu hỏi gì đó được thầy hỏi khiến mình tỉnh giấc mộng, quay về thực tại, mình nhận thấy thầy đang nói về Reflection – Phản tỉnh. Vậy là cả buổi học như giấc mơ ấy chỉ đọng lại ở mình từ này. Từ đó mình thực hành và rèn luyện bản thân luôn. Vì trước đó mình cũng hay tự viết những câu chuyện, nên lần này mình chỉ cần đổi tên của cái note “Stories” thành “Reflection” là xong :D.

 

1. Phản tỉnh là gì?

Thì, phản tỉnh là gì? Theo Wiki: Xét lại tư tưởng mình để tìm những sai lầm.
Có thể nói phản tỉnh là cách để chúng ta phát triển bản thân sau mỗi thất bại, bài học, trải nghiệm,… Để phân tích mặt lợi mặt hại cũng như phương pháp đưa ra để đối phó với sự việc đó (nếu cần).

2. Tại sao lại cần phản tỉnh?

Như các bạn cũng đã nhìn thấy, phản tỉnh như kia thì tất nhiên là cần thiết rồi. Câu hỏi này thật sự bất quan trọng!

3. Phản tỉnh như thế nào?

  • Đối với những bài học

Bài học thì đơn giản, đấy chính là cái mình cần ghi lại. Mổ xẻ nó ra, xem vấn đề nằm ở đâu. Tìm kiếm các lý do, tìm phương pháp cho từng lý do. Giải quyết nó hoặc rút kinh nghiệm cho lần sau.

Ví dụ: 23/05/2020: Hôm nay đòi nợ thằng bạn mượn 500k đến hạn. Không lấy được. Đang lúc hết tiền, cay. Lần sau không cho nó mượn nữa.

  • Đối với những trải nghiệm

Ghi lại. Đây thật sự là những điều quý giá. Cuộc sống luôn đi liền với những trải nghiệm và chúng giúp tạo nên con người bạn. Phân tích nó dưới các góc nhìn khác nhau để thấy sự vô giá của nó.

VD: Hôm nay OT đến 5h sáng. Mệt nhưng cuối cùng cũng xong. Tự hào về bản thân vãi chưởng, khó như vậy mà mình cũng nhằn được. Nhưng lần sau nếu estimate tốt hơn thì đã không phải OT thế này.

  • Đối với những thất bại

Đương nhiên là cũng cần ghi lại. Thất bại không phải là vô vọng, vô vọng là kết quả của thất bại thôi :))). Từ thất bại này, kinh nghiệm rút ra là gì, cái gì đúng có thể giữ lại, cái gì sai có thể thay đổi/ nâng cấp. Chưa có gì là không thể!

VD: Thi trượt chứng chỉ Scrum. Có lẽ do mình lười chưa đọc kỹ sách. Mình đã cho rằng chỉ cần thực hành nhiều như mình làm mọi ngày là đủ. Không sao, lần tới học kỹ hơn rồi thi vậy.

  • Đối với cả sự thành công, niềm vui

Đây là lúc bạn cần thư giãn và hưởng thụ. Vì cuộc sống đã có quá nhiều khó khăn, tại sao chúng ta lại phải quan tâm quá nhiều đến những bài học và sự cảnh giác khi chúng ta đang thành công và vui sướng? Uh thì đúng là trong các trận đánh giặc, những cuộc thi thì mình không nên ngủ quên trên chiến thắng thật. Nhưng có hề gì, vẫn phải hưởng thụ cho đã đã. Nhé cả nhà!
VD: Vừa tán đổ được bé kia. Phê quá. Đi làm lon bia đã!

4. Lỗi khi phản tỉnh.

  • Nguỵ biện

Thường thì đối với những bài học, thất bại,… chúng ta hay tìm cách bao biện cho lỗi của mình. Cũng đúng thôi, ai mà có khả năng nhìn hết được sự khách quan khi tự đánh giá chứ. Nhưng, nên hạn chế và cũng nên loại bỏ điều này nha, nó sẽ khiến các bài học bạn nhận được đi sai hướng.

Vd: Chả hiểu sao khách hàng hay chửi mình, rõ ràng mình đã dịch đúng, dịch đủ những gì Dev nói rồi mà. Suốt ngày chửi và bảo mình chưa đọc kỹ tài liệu. Ai bảo tài liệu rườm rà, hỏi lại không nhanh hơn à?
Đây rõ ràng là trường hợp không muốn nhận lỗi mà :v.

  • Sót trường hợp

Đây là lỗi hay gặp phải. Thứ nhất, chúng ta không rảnh mà phân tích tất cả những trường hợp xảy ra như QA. Thứ nhì, nhiều trường hợp bị khuất đối với từng người và họ không thể diễn tả nó do những hiểu biết và kinh nghiệm của họ chưa cho phép.

Vd: Em gái 16 tuổi viết: Anh ấy bỏ mình rồi, vì gì nhỉ? Mình xinh gái thế này cơ mà. Hay do mình học dốt, không biết nấu ăn? Chắc mình phải học nấu ăn và chăm chỉ học hành hơn thôi. Mình cảm thấy buồn thúi ruột ra ấy. Thôi thì đành yêu người khác vậy.

Ai biết đâu, có thể do cậu kia có tuổi rồi, bị bố mẹ bắt cưới liền trong năm đấy thì sao.

  • Chỉ tập trung vào một góc nhìn

Đây cũng là một lỗi cần sửa. Đối với những lần phản tỉnh, chúng ta hay tập trung vào một phía mà không nghĩ đến những hướng tương tự, đối lập. Đây cũng là bình thường vì có khi chúng ta chỉ muốn rút ra kinh nghiệm cho mặt đấy thôi.

Vd: Hôm nay khách hàng phàn nàn là lần thứ 3 rồi. Đội họp xong cũng đưa ra được các giải pháp, nhưng chắc cũng không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Tại sao họ không hiểu cho những nỗ lực của bên mình nhỉ. Thật khó hiểu.

Trường hợp này là chưa đặt vị trí của mình vào khách hàng mà xem xét, mới chỉ xét đến những cải tiến của đội mà không quan tâm khách hàng có mong muốn, nguyện vọng ra sao.

5. Cấp bậc cao hơn: Phản tỉnh của phản tỉnh?

Về phần này, mình nghĩ phải luyện nhiều và mình cũng chưa có ‘comment’ gì thêm. Cần hỏi thêm các cao thủ trong chuyên ngành. Nhưng mình nghĩ, cái gì cũng có thể ‘reflect’, kể cả những cái mình đã ‘reflect’. Một ngày kia, mình còn để tên nó là: Nhìn lại.

 

Thanks.

2 Replies to “Phản tỉnh – Reflection

  1. Một bài viết hay, mong chờ nhiểu sự phân tích sâu xa hơn nữa từ giáo sự Mạnh. ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *