Thợ học – Tư tưởng lớn của Imanuel Kant

Chúng ta thường biết I. Kant với cái tên I. Cantơ (1724 ~ 1804). Là một nhà triết học vĩ đại của thế giới. Những phát hiện của Kant đã chia hiểu biết của nhân loại thành ranh giới rạch ròi trước và sau I. Kant. Trí tuệ của ông đã cung cấp các nền tảng thiết yếu cho các môn khoa học: Triết học, Toán học, Vật lí học. Vậy Kant phát hiện ra điều gì?!

Kant đã dành cả cuộc đời của mình trong sự kỉ luật của suy tư. Cư dân Konigsberg mỗi tối sẽ chỉnh đồng hồ mỗi khi thấy ông đi bộ vào lúc 5h chiều. Ông đi bộ trong suy tư và dành gần như cả đời của mình để trả lời một số câu hỏi quan trọng của triết học:
– Tôi có thể biết được gì?
– Tôi nên làm gì?
– Tôi có thể hi vọng được gì?
– Con người là gì?

Trước Kant, các nhà triết học cơ bản phân chia thành hai trường phái, duy lí và duy nghiệm. Trường phái duy lý cho rằng, bằng suy tư và kết luận logic đơn thuần, ta có thể nhận thức được đúng sự thật. Mọi thứ ta thu nhận được từ giác quan, chỉ là ảo ảnh. Ví dụ, ta nhìn thấy mặt trời có ánh sáng trắng đổ vàng, tuy nhiên, bằng cách suy nghĩ và logic thực sự, ta phát hiện ra thực ra ánh sáng mặt trời có rất nhiều màu và màu sắc mà mắt ta phản ánh chỉ là ảo ảnh. “Tôi tư duy, tôi tồn tại” chứ không phải là “Tôi cảm nhận, tôi tồn tại”.
Các nhà duy nghiệm thì cho rằng, chỉ có sự tri giác thế giới bằng các giác quan mới là suối nguồn duy nhất chắc chắn của chân lí. Mọi chân lí đều là màu xám chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi. Mọi hiểu biết, nếu không được kiểm chứng bằng thực nghiệm và thu nhận lại qua thực tế, chỉ là ảo tưởng vớ vẩn.

Vậy là, con người có thể có được tri thức thông qua tiên nghiệm, hoặc hậu nghiệm. Ví dụ: 1 + 1 = 2, tích phân, đạo hàm… là tri thức toán học vốn dĩ không tồn tại trong thực tế, không được thu lại bằng kinh nghiệm. Vì thế, những tri thức này là có trước kinh nghiệm, tức là tiên nghiệm. Tuy nhiên những tri thức kiểu như: chiếc lá màu xanh là những tri thức mà ta phải chứng kiến bằng giác quan mới có được, những tri thức này có sau kinh nghiệm, tức là hậu nghiệm.

Và Kant, với tư duy sắc bén của mình, cho rằng con người ta cần … cả hai. Thú thật là khi đọc đến đây, tôi phì cười, điều tưởng chừng hiển nhiên này, thực ra không hiển nhiên một chút nào nếu ta tìm cách chứng minh nó. Kant cho rằng, bằng cách tư duy biện chứng – đặt đối tượng trong một không gian thời gian cụ thể – thông qua 4 hình thức phán đoán và mười hai phạm trù, con người sẽ thu được tri thức về đối tượng cụ thể, khi đó cả giác tính và cảm năng hoạt động đồng thời.

Trong tác phẩm: “Phê phán lý tính thuần túy” của mình, Kant không đưa ra định nghĩa thế nào là phạm trù, và chính ông cũng công nhận là ông chưa có định nghĩa cho nó, đây là một vấn đề khó mà chúng ta sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm ở các triết gia khác.

Vấn đề thứ hai mà Kant nói đến chính là các khái niệm về đạo đức. Trước Kant, có bốn chủ thuyết chính về đạo đức: Khoái lạc, vi lợi, hạnh phúc và pháp luật. Thuyết khoái lạc cho rằng, sự sung sướng là bản chất của con người, sự sung sướng thúc đẩy con người hành động, vì thế hãy hành động sao cho bạn thấy sung sướng nhất. Vì sự sung sướng, hãy giúp đỡ người khác. Thuyết này có nhiều vấn đề, nên ta xem xét tiếp thuyết vi lợi. Thuyết này qui lợi ích của mọi người thành các giá trị và khuyến nghị ta cần hành động sao cho tổng lợi ích là lớn nhất. Vấn đề của thuyết này là dẫn tới quyết định rất phát xít, hi sinh lợi ích của một nhóm người vì lợi ích tổng thể. Vấn đề là, làm sao để biết được rằng lợi ích của một người đàn ông có gia đình 4 người con sẽ cao hơn lợi ích của một người đàn ông có gia đình 3 người con và một vợ già? Thuyết này cũng dẫn tới nhiều phong trào chính trị rất man rợ. Thuyết hạnh phúc cho rằng, con người ta sẽ đạt được hạnh phúc (chứ không phải là sung sướng) nếu tích lũy và tuân theo 4 đức hạnh: Can đảm (ở giữa hèn nhát và liều lĩnh), Tự trọng (giữa kiêu ngạo và tự hủy), quảng đại (giữa phung phí và keo kiệt), tình bằng hữu. Tuy nhiên, khi sự can đảm lại là đức hạnh tuyệt vời của một tên cướp thì hắn ta có đạo đức không? Đức hạnh là công cụ hay là tiêu chuẩn để đo sự đạo đức? Thuyết này cũng rắc rối khi ứng dụng. Sau này, nhà nước pháp quyền đề xuất một chủ thuyết khác: Cứ làm theo pháp luật là đạo đức. Thuyết này về cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề xã hội và dễ đánh giá, tuy nhiên lại nảy sinh câu hỏi: Bản thân luật lệ có đạo đức không? Luật cho phép phá thai có được xem là đạo đức? Hay các sĩ quan quân đội Nhật tổ chức vụ hãm hiếp Nam Kinh theo mệnh lệnh từ chỉ huy thì có đạo đức?

Theo Imanuel Kant, các thuyết này đều có vấn đề và không hề đạo đức, một vấn đề như đạo đức phải được xuất phát từ ý chí tự do của con người và áp đặt lên mọi vật một cách phổ quát, nó phải là một tiên nghiệm, chứ không thể là hậu nghiệm, nó không nên được rút kinh nghiệm mà phải luôn luôn đúng.

Muốn nói về đạo đức, đầu tiên phải nói về tự do trước đã. Theo Kant, tự do là một khái niệm rất đặc biệt khi mà một sự vật có thể tự quyết định chính mình mà không chịu bất kì tác động nào. Ví dụ một quả bóng rơi tự do vốn không tự do, nó chịu sự tác động của lực hút trái đất. Con kiến của Đen vâu vốn không tự do hơn chúa Sơn lâm ở trong cũi của Thế Lữ vì chúng bị bản năng chi phối hoàn toàn, chúng bị các qui luật tự nhiên ép buộc phải ăn cục đường và gặm cục xương. Nhưng con người (theo Kant) lại có một ý chí đặc biệt, có thể tự do ra quyết định mà không bị phụ thuộc vào bất kì một qui luật nào. Ý chí tự do của con người có thể chống lại thể xác chứa nó. Chỉ có con người mới có thể bắt mình làm theo những thứ chống lại qui luật tự nhiên, đưa ra mong muốn, định nghĩa thế giới.

Theo Kant, một hành vi đạo đức là hành vi mà khi ta quyết định làm nó, ta cũng muốn người khác làm điều đó với ta và với tất cả mọi người khác. Phát biểu của Kant thì phức tạp hơn, nhưng tôi xin diễn dịch nó ra như trên. Phát biểu này hàm chứa hai nội dung quan trọng:
1. Mọi người phải bình đẳng như nhau và mỗi người có giá trị tương đương với cả nhân loại, không thể vì lợi ích của số đông mà hi sinh lợi ích của một cá nhân.
2. Việc gì ta làm, mà ta thấy rằng cũng muốn người khác làm cho mình, làm cho người thân, cho cả xã hội thì việc đó là đạo đức.
Và, duy chỉ ý chí tự do của con người mới có khả năng tự do, độc lập để có thể ra quyết định về đạo đức, điều mà (có khả năng là) không có một đối tượng nào trong vũ trụ có thể làm được. Và cũng vì thế, đạo đức lại là giá trị của riêng mỗi người.

Nếu ta thấy một người chết đuối, ta sẽ cứu người đó, và nếu được hỏi vì sao, chúng ta sẽ không trả lời rằng vì chúng ta thấy sung sướng vì hành động đó, hay vì chúng ta thấy như thế tổng lợi ích lớn hơn, hay vì chúng ta thấy đức hạnh của mình thật cao hoặc là vì chúng ta tuân thủ điều 4 khoản năm của luật lao động công ích. Một người đạo đức theo kiểu Kant sẽ trả lời: Đó là vì nghĩa vụ của tôi.

Nhìn chung, có một số vấn đề nữa, Kant đã nêu ra, cũng rất thú vị và rất khó hiểu. Việc đọc tác phẩm của Kant thật sự là rắc rối, tôi không cảm thấy Kant viết ra các tác phẩm dành cho người đọc. Tôi buộc lòng phải đọc chéo các bản vắn tắt, tóm lược, các phê bình khác rồi mới lần lượt hiểu các khái niệm mà I.Kant nói. Trong hoàn cảnh này, wiki thực sự đã giúp tôi rất đắc lực.

Bản thân tôi, sau khi đọc những tác phẩm này thì cảm thấy, thế giới trí tuệ của loài người thật là kì diệu (thật tình đến mấy việc này mà cũng nghĩ ra được, các triết gia, họ rảnh thực sự). Tôi như một cậu bé đứng giữa bãi cát Bảo Ninh mênh mông, thích thú nhặt những vỏ sò, mảnh xương kì lạ và nhỏ bé giữa biển khơi dường như vô tận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *