Omotenashi

Âu có bộ bí kíp võ công tên là “Đắc nhân tâm” (dịch từ “how to win friends and influence people”). Nhưng Á cũng có bộ võ công kinh điển tên là Omotenashi. Tuy không nổi tiếng và nhiều sách viết về nhưng thứ kiến thức này cũng bá không kém gì.

Omotenashi là một cách nói trang trọng của motenasu – tiếp đãi khách bằng cả tấm lòng. Nói rộng ra, là ta dùng cả tấm lòng của mình để phục vụ người khác (khách hàng theo nghĩa rộng là đối tác, cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới…). Triết lí của nó rất khác với “Đắc nhân tâm”. Trong khi “Đắc nhân tâm” là “đoạt được tấm lòng” người khác, thì Omotenashi là “dâng tấm lòng của mình” cho người khác. Nó thể hiện tầng sâu văn hóa của người Á Đông, không hành động với động lực là cái “tham” (cái mình muốn có), mà cần hành động vì chính cái bên trong mình. Omotenashi đưa việc “dâng cả tấm lòng thành” thành mục đích của việc phục vụ và để “Đoạt tấm lòng người” thành thứ yếu. Triết lí đậm nét “vô vi, vô thường, vô ngã” của Phật giáo phương Đông.

Omotenashi ( tạm dịch là “Đãi tâm”) là một tầng sâu văn hóa, nó có nhược điểm của các triết lí Á Đông là rất khó diễn đạt, không thể 5 bước “Đoạt tâm” như “Đắc Nhân Tâm”. Muốn hiểu phải thực hành và phải “tắm mình” trong nó. Đó là lí do Omotenashi không phổ biến lắm. Bản thân tôi dù dành nhiều thời gian tìm hiểu nhưng cũng rất ngu dốt trước bộ môn công phu thâm hậu này. Tuy nhiên với những hiểu biết hạn chế của mình, tôi xin có một chút lí giải giúp anh em DEHA có thể áp dụng phần nào.

Để thực hành, trước tiên bạn cần hiểu rằng, mục tiêu của chúng ta không phải là đạt được cái gì đó từ người khác. Với ý hiểu mới này chúng ta sẽ coi việc phục vụ một cách chân thành là mục đích. Chúng ta cần xuất phát từ bên trong chứ không phải chỉ điều chỉnh hành vi của mình là xong. Vì coi việc “Đãi lòng” là cốt yếu, sự thay đổi không cần phải đao to búa lớn, không cần (mà cũng không nên) tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức. Chỉ cần trong mọi hành động dù là nhỏ nhất chúng ta cần phải thiết cả tấm lòng thành của mình vào đó.

Để có thể hiểu được, tôi xin đề xuất 3 trường hợp cơ bản sắp xếp từ nông đến sâu. Đó là, khi hành động, không phân biệt lớn nhỏ, chúng ta cần chú trọng làm sao để người khác:

  • Dễ hiểu được.
  • Dễ đạt được.
  • Dễ thấu/dễ cảm được.

Dễ hiểu được, theo cách đơn giản là làm sao để càng nhanh càng tốt (ví dụ trong 2 giây đối với giấy tờ, tài liệu, thẻ…) người ta có thể hiểu ngay được cái mình muốn đưa cho họ. Ví dụ như khi đưa một tài liệu, cần đưa làm sao để người nhận (người đối diện) có thể đọc được ngay nội dung chính của tài liệu. Ta có thể xoay tài liệu về phía người nhận, đặt ngón trỏ vào chỗ nội dung chính, đưa lên phù hợp với tầm mắt người đối diện… Ta cũng có thể trình bày tài liệu làm sao để nội dung chính yếu nằm ở chỗ dễ đọc, dễ nhận biết… Tài liệu có thể được kẹp bằng bìa cứng để dễ cầm. Ta có thể kèm thêm bút để người nhận có thể comment được ngay vào tài liệu… Có thể kể ra đây vô vàn hành động rất nhỏ, nhưng rất chân thành để người nhận có thể “Dễ hiểu được” – Tốn ít công mà nhanh hiểu.

Dễ đạt được, hiểu đơn giản là làm sao để càng nhanh càng tốt đối phương có được điều mà người ta muốn từ mình. Ví dụ như khi đưa cho người đối diện một ngòi bút, ta cần đưa làm sao để người nhận có thể viết được ngay lập tức. Ta có thể bật bút trước, cầm ở phía ngược với ngòi bút để người nhận có thể cầm vào phía ngòi bút (cho dễ viết). Cần cầm sao cho ngòi bút hơi chúc xuống để người nhận có thể dễ đặt bút xuống. Vì ngòi bút là vật nhọn, ta cần lưu ý không hướng đầu nhọn về phía người nhận… Tóm lại, ta phải đặt mình vào vị trí của người nhận và phải làm sao để người nhận có thể dễ dàng nhận được cái mà ta muốn đưa.

Dễ thấu/dễ cảm được, hiểu nôm na là không chỉ thiết đãi về vật chất, ta phải thiết đãi cả tâm hồn, tinh thần của đối phương nữa. Phải làm sao để đối phương “cảm” (cảm động chẳn hạn) được tấm lòng thành của ta, như thế mới là “tận đãi”. Ví dụ, khi ta đưa vật nhỏ cho đối phương, phải đưa bằng cả hai tay, lòng bàn tay ngửa lên, các ngón chụm vào nhau (như đang dâng lên). Khi giao tiếp với đối phương phải lắng nghe, ghi chép, sau đó gửi lại nội dung cho đối phương để thể hiện sự tôn trọng, tận tâm. Khi chào đón khách hàng đến công ty, có thể làm một tấm biển nhỏ, ghi rõ tên công ty và những người khách đến. Khi tặng quà, cần phải gói ghém gọn gàng, lịch sự… Nói tóm lại phải làm sao để tâm của người nhận cũng được thiết đãi, cũng thấy chân thành, ấm áp, hạnh phúc.

Bấy nhiêu đó chắc chắn không thể diễn đạt hết ý hiểu của tôi về vấn đề này. Và những gì tôi hiểu về Omotenashi cũng vô cùng hạn chế. Omotenashi có thể xem là một triết lí lớn, bao trùm cả Horenso. Nó cũng không giới hạn lĩnh vực, cả trong công việc và cuộc sống, dù nó vẫn được xem là dùng để chăm sóc khách hàng. Tôi hi vọng, thông qua những trình bày hạn chế của mình có thể giúp chúng ta bắt đầu tiếp cận và thực hành Omotenashi, qua đó tiếp thu được một kiến thức vô cùng thâm sâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *