Gen vị kỉ – học thuyết tiến hóa mới

Liệu có phải là, nhiều khi chúng ta hiểu nhầm về sự tiến hóa không? Ta vẫn cho rằng, mục đích của sự tiến hóa là do sinh vật làm chủ, sự tiến hóa sẽ tạo ra các cá thể ngày càng thích nghi hơn với môi trường. Những điều này hẳn nhiên là đúng, nếu chúng ta chưa đọc cuốn GEN vị kỉ của Richard Dawkins. Bằng cách trở về với bản chất của tiến hóa, di truyền, R. Dawkins đã đưa ta đến những khám phá diệu kì, những chân trời kiến thức vô cùng thú vị, được trình bày rất dễ hiểu và bình dân. Tôi đã rất bất ngờ, khi những vấn đề của lý thuyêt trò chơi được áp dụng và qua đó, lý giải được những hiện tượng xã hội vô cùng lý thú.

Bỏ qua những diễn giải của tác ở những phần đầu về gen, alen, tính trạng, phần mà tác giả lập luận và cũng muốn ta hướng đến nhất là sự hình thành của các thể tự sao. Trong môi trường nguyên thủy, các hóa chất kết hợp ngẫu nhiên với nhau theo hàng tỉ tỉ tỉ lần, rồi đột nhiên sinh ra một loại cấu trúc hóa học có một năng lực đặc biệt: Nó có thể sao chép chính nó. Có những hỗn hợp rất “thích nghi”, cũng có những hỗn hợp kém thích nghi hơn, nhưng chỉ những hỗn hợp có đặc tính “sao chép” chính nó, mới có thể tạo ra các “thế hệ tiếp theo”. Lập luận này của tác giả chính là tiền để nền tảng cho các vấn đề khác mà tác giả muốn nói đến. Rõ ràng là, sinh vật ngày nay không “thích nghi” hơn với môi trường. Theo nghĩa là không phải tất cả sinh vật đều có những đặc điểm có thể lí giải được theo logic của sự thích nghi. Để thích nghi hơn, chắc hẳn sinh vật không thể có cái đuôi dài như một con công hoặc rụng hết lông nhưng một chon khỉ tinh khôn được. Sinh vật tiến hóa vì mục đích khác, mà thích nghi, chỉ được xem là một công cụ, chứ không thể được xem là mục đích.

Việc tự sao là đặc tính bắt buộc của các gen là việc hiển nhiên đến mức chúng ta gần như không có gì để tranh luận nữa. Thậm chí, chúng ta cũng phải đồng ý rằng, chỉ những gen nào có năng lực sao chép mạnh mẽ, hoặc chí ít, là bảo vệ các phiên bản của nó thì mới có thể liên tục mở rộng. Đây là một nhận thức mới về tiến hóa, việc bạn đồng ý điều này với R. Dawkins hay không rất quan trọng vì đây là luận điểm nền tảng cho tất cả các suy luận sau này của cuốn sách.

Từ đây, chúng ta có thể tạm gán cho các gen một mục đích, dù các gen chỉ là các hợp chất hóa học nhưng ta cứ thử nhân hóa nó cho dễ lập luận. Và vì thế, mục đích cao nhất của các gen là tạo ra càng nhiều càng tốt các bản sao của chính nó. Đó là quá trình di truyền, đó chính là sự vị kỉ của các gen. Quá trình tiến hóa, từ nay có thể hiểu rằng đó không phải là quá trình chọn lọc các cá thể thích nghi hơn. Quá trình “tiến hóa”, là quá trình chọn lọc các gen, gen nào có khả năng tự sao tốt hơn thì tiếp tục tồn tại. Điều này cũng đúng cho quá trình tiến hóa, chọn lọc nhóm, quần thể…

Tuy nhiên ở đây, có một số vấn đề mà chúng ta cần lưu ý. Trong một cơ thể sống, bản thân gen không điều khiển các cá thể. Từ những sinh vật đơn giản như vi khuẩn đến những sinh vật đa bào phức tạp như côn trùng, rồi đến những sinh vật như các con thú và con người chúng ta. Gen chỉ là các bản mã, nó điều khiển quá trình tạo ra các protein. Các protein đó đến lượt nó, lại điểu khiển quá trình sinh hóa, tác động lên các tế bào khác, các tế bào khác lại sản sinh ra các loại protein, tạo ra các hooc môn, các chất dẫn truyền… cứ thế, cứ thế cho đến lúc một tế bào thần kinh nào đó phát tín hiệu khiến chúng ta cử động cơ và khớp xương. Đó là quá trình tác động nhiều bước phức tạp, gen tác động đến yếu tố A, A tác động đến B, B đến C…. rồi mới biểu hiện ra bên ngoài. Bạn có tưởng tượng nổi không? Gen chi phối quá trình phức tạp đó. Từ việc chăm sóc kiến chúa của kiến thợ, từ việc tạo ra mạng nhện một cách “bản năng”, đến việc một con thú chăm sóc, yêu thương con cái của nó. Mọi thể hiện từ đơn giản (như màu tóc) đến phức tạp như thói quen, cảm xúc, trí tuệ, tuổi thọ, thậm chí là tập tính, tập quán đều được “điều khiển” bởi gen. Vì thế, ta có thể nhận định rằng, mọi biểu hiện dù đơn giản hay phức tạp, mà ta tạm gọi là kiểu hình, là nhằm mục đích tối thượng của gen: tăng khả năng tự sao. Như vậy, có thể suy ra, việc yêu thương con cái, kết đôi với bạn tình, thích ăn ngọt, thích đọc sách và tuổi thọ đều nhằm mục đích tăng khả năng tự sao của các gen, chứ không phải làm tăng sự thích nghi của sinh vật. Tất nhiên, thích nghi là một yếu tố cũng quan trọng nhưng nó không phải là mục đích. Vì thế làm sinh ra những sinh vật “kì quoặc” vốn chả thích nghi tẹo nào.

Tại sao con công lại có cái đuôi dài? Một số loài chim như công, trĩ, chịm thiên đường, chim lạc… lại có cái đuôi dài. Cái đuôi dài làm nó kém thích nghi hơn vì vướng víu khi di chuyển, dễ bị tấn công và tốn nhiều năng lượng cho cái đuôi. Nhưng những con công đực có đuôi dài thì dành được quyền sinh sản và vì thế bản sao tiếp theo của nó cũng sẽ có cái đuôi dài. Lũ công cái thích cái đuôi dài, là một việc khá phi logic với chúng ta, nhưng lại là việc rất bình thường trong thế giới sinh vật. Trong thế giới tự nhiên, hầu hết giống đực phải màu mè, sặc sỡ và rối rắm mới có thể có được con cái. Hẳn nhiên, vì một lý do nguyên thủy nào đó, những gen giống cái sẽ qui định rằng chúng cần thích những con đực sặc sỡ, nguyên nhân của sở thích này hiện nay là một tranh cãi, tuy nhiên, ta tạm hiểu rằng những con đực có màu sắc sặc sỡ có khả năng cao sẽ có những tính trạng tốt, giúp cho thế hệ sau của con cái tốt hơn và tăng khả năng sao chép lại gen của con cái. Dần dần, chỉ những con đực có gen sặc sỡ mới được di truyền, những con nhạt hơn lần lượt biến mất trong quần thể. Ta cũng thấy rằng, ở đây có quá trình ngược lại, chỉ những con công cái thích công đực sặc sỡ và rối rắm, thì gen của nó mới tiếp tục tồn tại trong quần thể, hẳn là những con công cái không thích đặc tính này đã dần biến mất. Đặc tính sặc sỡ này, ban đầu chắc chắn là một đặc điểm giúp con đực thích nghi tốt với môi trường, nhưng dần dẫn đã bị biến tướng và thay đổi đến mức ngày nay, chúng ta không thể nhận chúng.

Tại sao lại có việc dối lừa? Việc dối lừa xẩy ra khá phổ biến trong tự nhiên và điều này rất phi logic. Người ta thấy rằng, trong quần thể, nếu tất cả đều không lừa dối thì mọi cá thể trong quần thể đều được hưởng lợi và quần thể đó sẽ có khẳ năng thích nghi cao hơn hẳn. Ví dụ, một quần thể chim bị lũ rệp lông tấn công, chim thì không thể tự rỉa rệp trên đầu của mình được. Nếu một con chim A, rỉa rệp cho chim B và ngược lại, và cả quân thể đều làm như vậy thì lũ rệp sẽ bị giảm tối thiểu và làm giảm nguy cơ lây lan rệp cho cả quần thể, bao gồm cả lũ chim non. Quần thể “tử tế” sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong thực tế lại không như vậy. Một con chim A có thể rỉa cho chim B, sau đó con chim B bỏ đi kiếm ăn trong khi con chim A phải mất thời gian đi tìm đối tác khác rỉa lũ rệp cho mình. Ta nói rằng, con chim B dối lừa đã được hưởng lợi từ việc được rỉa rệp từ con chim A tử tế, đồng thời nó không mất công sức như con chim A và thậm chí có thời gian đi kiếm mồi, là một lợi thế nhân đôi so với con chim A.

Ta thử khảo sát lập luận thế này. Nếu một quần thể chỉ toàn là chim tử tế (kiểu A) thì việc xuất hiện một biến thể B (biến dị) sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi. Nó không mất năng lượng để đáp trả những lợi ích của các chim khác cho nó mà thậm chí còn được gia tăng cơ hội và thời gian ví dụ kiếm mối, tán tỉnh các con chim mái… Do đó, gen dối lừa của con chim B sẽ có nhiều cơ hội được sao chép hơn hẳn so với những con chim A còn lại. Điều đó làm gen dối lừa phát tán ra cả quần thể. Tất nhiên, việc phát tán này sẽ sớm giới hạn, bởi quần thể có đông những con chim B thì sẽ có vấn đề bởi khi số lượng B đông đảo, xác xuất 2 con chim B gặp nhau sẽ cao lên. Những con chim B không bắt rệp cho nhau sẽ yếu hơn hẳn những con chim A bắt rệp cho nhau do đó sẽ làm suy yếu số lượng chim B trong quần thể. Đến một ngưỡng nào đó, quần thể sẽ rơi vào trạng thái ổn định về tỉ lệ chim A và B. Một tỉ lệ A:B khoảng 5:6 hoặc 5:8 là một tỉ lệ bền vững. À, giờ thì ta đã biết tại sao sự gian dối lại tồn tại được trong quần thể. Rõ ràng gian dối không “thích nghi” hơn. Các thí nghiệm và khảo sát toán học đã chứng tỏ, các quần thể “tử tế” sẽ thích nghi mạnh mẽ hơn. Nhưng mà một lần nữa, lịch sử tự nhiên không nghiêng về sự thích nghi, mà nghiêng về sự sao chép. Chính những gen gian dối sẽ có khả năng sao chép trong quần thể. Thực tế là, có những quần thể bị hủy diệt bởi những mô tip như thế này, khi những gen “nguy hiểm” liên tục nhân rộng mà không có cơ chế cân bằng. Từ chuyện này, ta có thể suy ra những tỉ lệ nhất định về các vấn đề khác, ví dụ ngoại tình (gồm cả đực và cái) và chung thủy… tất nhiên, những tỉ lệ này chỉ mang tính suy diễn. Thực tế tự nhiên có các mối tương tác phức tạp hơn nhiều so với những suy diễn trong điều kiện chân không kể trên.

Tai sao chúng ta lại già và chết đi? Rõ ràng, già và chết đi là những đặc điểm không thích nghi. Một cách thích nghi hoàn hảo, sinh vật phải ngày càng thọ, càng trẻ lâu và có thể là không chết. Nhưng thực tế thì không phải như vậy?

Ta đã biết rằng, việc sao chép liên tục tất yếu sẽ dẫn tới những sai sót khó tránh khỏi. Quá trình sinh trưởng của sinh vật nói chung chính là quá trình sản sinh ra tế bào mới thông qua việc sao chép. Những gen có quá trình sao chép kém thường sẽ sớm bộc lộ các vấn đề (ung thư, bệnh tật, lão hóa, yếu…). Những cá thể có những gen kém như thế sẽ không có nhiều cơ hội sinh sản, đánh mất cơ hội sao chép và vì thế bị loại khỏi quần thể, chỉ còn lại những gen mà quá trình sao chép diễn ra tốt hơn, cho phép các cá thể chứa chùng có đủ thời gian để tìm bạn tình và sinh ra thế hệ mới. Những gen tốt này, vấn đề về sao chép không phải là không có, nhưng chúng lại bộc lộ muộn. Như vậy, những kẻ “sống sót” là những kẻ có gen sao cho các vấn đề tuổi già bộ lộ muộn là đủ, tuy nhiên vấn đề về tuổi già tất yếu sẽ phải bộc lộ do quá trình sao chép của các gen chắc chắn sẽ gây ra các lỗi. Ta cần biết rằng, sau mỗi và tuần, cơ thể chúng ta gần như thay mới, quá trình sao chép này là một con số khủng khiếp và rất phức tạp.

Trên đây là 2 câu hỏi nhỏ mà cuốn “Gen vị kỉ” đã thử trả lời bằng cách đặt sự “sao chép” làm bản chất của các gen. Thuyết tiến hóa của Darwin, khi ra đời, chưa có đủ căn cứ về gen, di truyền để có thể nắm bắt được bản chất “vị kỉ” của các thể sao chép, do đó không lý giải sự tiến hóa theo con đường sao chép các bản mã di truyền mà tập trung vào năng lực thích nghi của chúng với thế giới. Có thể là Darwin không sai, nhưng học thuyết của ông chưa giải thích được hết các hiện tượng phức tạp của quá trình tiến hóa.

Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của cuốn sách này nằm ở chỗ, tác giả đưa ra một khái niệm khá mới mẻ: “meme” một thể tự sao xã hội. R. Dawkins cho rằng, không chỉ nên xem các ADN là các thể tự sao duy nhất, có khả năng cao là vẫn còn các thể tự sao khác trong vũ trụ này. Các thể tự sao đó có thể được được hình thành từ meta, amoniac chứ không chỉ là các hidrocarbon. Thậm chí, một cách khái quát hơn, các tôn giáo, tri thức, các nội dung mang tính xã hội cũng nên xem như các thể tự sao. Rõ ràng là, bí quyết tồn tại của một tôn giáo hoặc một nội dung tư tưởng không nằm ở tính ưu việt của nó, mà nằm ở chỗ nó có thể tự sao mạnh mẽ ra các “bộ não” khác nhau. Tư tưởng nào tiềm chứa trong mình các “tính trạng” hỗ trợ tự sao tốt, tư tưởng đó trường tồn. Lấy ví dụ, thiên chúa giáo có một số tính trạng: đòi hỏi con người phải tin vào nó tuyệt đối, đòi hỏi những người tin vào nó phải truyền bá nó cho người khác, đòi hỏi sức ảnh hưởng của nó đến mọi nghi lễ, thực hành trong đời sống của con người. Vì lẽ đó, có một số thể tự sao – meme như cách gọi của tác giả – được truyền bá rộng rãi hơn, có sức ảnh hưởng hơn trong môi trường “não người” – một dạng dung dịch nguyên thủy. Các meme này có lẽ đang ở dạng sơ khai, nhưng năng lực tiến hóa của chúng thì nhanh và mạnh mẽ hơn các thể tự sao ADN nhiều. Chúng có thể tự tái cấu trúc mình trong một vài thế hệ, thậm chí, có thể tái cấu trúc ngay trong chính thế hệ của mình để gia tăng khả năng sao chép. Đến đây, ta nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của mọi dạng sự sống. Các “sự sống” được chi phối bởi các dạng meme, “mục đích” của các meme là việc tự sao chúng càng nhiều càng tốt. Các meme không tồn tại vì lợi ích của sinh giới, mẹ tự nhiên hay muôn loài.

Tôn giáo, các hệ tư tưởng không phát sinh để phục vụ cho loài người, từ thuyết tiến hóa, thuyết tương đối rộng cho đến các tôn giáo lớn nhỏ. Chỉ những tư tưởng nào có khả năng “tự sao” mạnh mẽ thì mới có thể tồn tại được lâu dài.

Nội dung của cuốn sách sâu sắc này hẳn nhiên không thể trình bày được trong một vài đoạn ngắn của bài viết này. Ý tưởng và những phát kiến của nó chắc chắn tác động sâu sắc đến các nhận thức triết học, tư tưởng, quản trị và kinh doanh. Các nhà tư tưởng, các nhà quản trị chắc hẳn sẽ phải đặc lại câu hỏi rốt ráo nhất về hệ thống các ý tưởng của mình, bởi nếu nó thiếu những đặc tính phù hợp để trở thành một meme mạnh mẽ, tất cả sẽ sớm chìm vào lãng quên cho dù nó có ích cho con người tới đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *