Ông già tôi thường bảo: "Ba mà có điều kiện học như con thì chắc chắn ba sẽ làm được nhiều điều hơn". Tôi thì nghĩ, nếu tôi được học theo cách của ba, có lẽ tôi sẽ làm được nhiều điều hơn. Ngày nay, chúng ta học kém hơn các cụ vì chúng ta không được học cách tự học. Tôi thấy tiếc, nhưng khi được biết, một trong những công cụ tự học rất tốt đó là ghi chép, tôi đã áp dụng ngay.
Cũng được khá nhiều năm, tôi ghi chép lại nhiều thứ. Tôi có một cuốn sổ nhỏ, ghi chép tay mọi việc trong gia đình. Tôi sẽ tặng nó cho các con gái của chúng tôi, chúng sẽ có dữ liệu cho cuộc sống sau này. Trước tôi hay dùng notepad++ để note trên máy. Sau mất mát nhiều, tôi chuyển sang dùng google doc. Tuy nhiên hơi bất tiện vì phải có net, giờ tôi chuyển sang dùng evernote, thi thoảng thì dùng deha's blog. Mọi điều lớn nhỏ, làm tôi thấy ấn tượng, tôi đều cố gắng note lại. Từ việc phỏng vấn, gặp gỡ mọi người, chuyện dự án, những điều học được, cách cài đặt… tôi đều ghi lại. Cũng khá mất thời gian. Ban đầu tôi ghi chép ít và ngại lắm nhưng rồi có một chuyện xẩy ra, khiến tôi bắt đầu thích ghi chép.
Khi vợ bầu con gái đầu lòng, tôi có làm một cuốn sổ gia đình. Hồi đó, tôi hay chép lại các biến đổi của vợ tôi khi mang bầu, có những ngày cứ thấy đau bụng làm hai vợ chồng lo lắng. Tôi hay phải về sớm đưa vợ đi khám, khá rườm ra và tốn kém nhưng kết quả thì chỉ là những vấn đề đơn giản. Đến khi bầu đứa thứ hai, vợ lại đau bụng, lại lo lắng, nhưng tôi xem trong sổ đến cùng kì này của đứa đầu cũng có dấu hiệu y hệt như vậy, thế là hai đứa tiết kiệm được một khoản.
Trong sổ cũng có ghi chép một số vấn đề về cuộc sống gia đình, quan hệ vợ chồng, cách giải quyết một số trường hợp. Tôi nghĩ như thế sẽ có ích cho con gái của tôi. Tôi dự định sẽ ghi chép những vấn đề của tôi và vợ tôi trong giai đoạn dậy thì, hi vọng con gái tôi sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn đó.
Tôi cũng ghi chép lại các quan sát của tôi về các nhóm làm việc. Do đó, tôi dự đoán được hầu hết các quá trình hình thành và trạng thái của tất cả các nhóm làm việc.
Ghi chép, cũng giúp tôi liên tục nhìn nhận lại các vấn đề, thay đổi chúng, cải thiện để có cách làm tốt hơn. Ví dụ tôi thấy nhiều bạn hay lao vào các cuộc tranh cãi, chỉ trích vô bổ, kéo dài và mệt mỏi. Tôi đoán, các bạn ấy sợ mình thua người ta, nên phải cố tranh cãi hoặc nói xấu để dành phần thắng. Tôi đã nhận được nhiều bài học được tôi ghi chép lại về việc này. Trước đây, các cuộc trao đổi với các sếp, tôi cũng hay chép lại mấy ý chính. Tôi thấy có môt hiện tượng là anh sếp tên là S. có xu hướng hay nói về các điều chưa tốt của mọi người khi, trong khi anh sếp tên Đ. lại có xu hướng ngược lại, thường hay khen các điểm tốt của người khác. Ban đầu, tôi nghĩ anh sếp Đ. nghĩ đơn giản. tuy nhiên một lần nọ, trong một lần bực bội, sếp đã buột miệng nói tâm sự thật của sếp, sếp chỉ nói thế thôi chứ sếp nghĩ khác lắm. Việc nói tốt về người khác của sếp có tác dụng rất tích cực với tổ chức, mọi người đều yêu quí nhau và nhìn ra điểm tốt của người khác để học hỏi và mọi người nỗ lực làm việc hơn. Tôi bắt chước sếp, tránh xa các cuộc tranh luận vô bổ, không chê bai người khác. Kèm theo đó, tôi cố gắng nhìn nhận, công nhận và kể ra điểm tốt của tất cả mọi người. Tôi biết chắc chắn rằng, người cười sau cùng mới là người chiến thắng.
Cũng nhờ công ghi chép, tôi phát hiện ra một xu hường là trong nhóm BOD hồi đó, cứ ai đi Nhật về là ghét những người còn lại như chó. Bản thân tôi cũng bị thế, tôi cũng ghét một số anh em. Lúc đỉnh điểm, chúng tôi đã rất căng thẳng với nhau, mà chả để làm gì cả. Tình cờ nhìn lại, tôi phát hiện ra rằng, trong thời gian ở Nhật, các bạn đã tiếp xúc với anh S. rất nhiều, đa phần nghe anh ấy nói những khía cạnh tiêu cực. Hôm đó là một ngày đẹp trời, tôi mặc cái áo thun màu đen có hình đầu lâu xương sọ, tôi gọi mấy anh em trong BOD xuống quán cafe Napoli ở ngay tầng một và chia sẻ với mọi người phát hiện của tôi. tôi đề nghị: "Ngay bây giờ, chúng ta có thể kể rất nhiều điểm xấu của nhau, điểm xấu của mỗi người lại là điểm tốt của người khác. Chúng ta bù trừ cho nhau … đừng để ý đến những lời anh S. nói nữa…" mọi người hiểu ra và từ đó, chúng tôi lại rất đoàn kết và luôn kể lại cho nhau nghe những cuộc đối thoại với anh S.
Trước đây, tôi có người bạn rất lười đọc sách. Tôi muốn hắn giỏi, tiến bộ nhiều nên luôn động viên hắn đọc sách nhiều. Tuy nhiên hắn không vui, chê tôi mọt sách và bảo rằng học qua trải nghiệm sống là tốt nhất. Ban đầu, tôi cứ lao vào tranh cãi đúng sai với hắn, nhưng không hiệu quả. Bằng nhiều ghi chép của mình từ các các cuộc đối thoại, thuyết phục khác nhau. Tôi đổi chiến thuật. Tôi không nói hắn nên đọc sách nữa mà tôi tặng sách cho hắn. Kể về các cuốn sách hay, nói về những điều mình học được trong tuần. Lâu dần, hắn cũng thích đọc sách và bắt đầu nghiện. Thật là vui.
Việc ghi chép của tôi ban đầu cũng lung tung lắm, nhưng giờ có đỡ hơn. Tôi tập trung vào việc ghi chép những con số, những khác biệt, những điểm lạ, hoặc nổi bật. Tôi cũng ghi chép cả diễn tiến nhưng chỉ ở dạng vắn tắt. Tôi cũng có ghi lại những thứ mà tôi nghĩ rằng mình sẽ quên, hoặc ghi lại những nhận xét mang tính so sánh với các vấn đề khác tương tự.
Ông già của tôi có một cuốn sổ nhỏ, trong đó ghi lại mấy sự kiện của tôi, ngày tôi đi bước đầu tiên chẳn hạn. Tôi đọc và thấy tình cảm của ông rất ấm áp. Tôi cũng biết rằng, vậy ra, mình cũng bắt đầu từ một cục đỏ hỏn và phải nỗ lực lắm "nó" mới to bằng này. Công sức thật ghê gớm cho đấng sinh thành.
Ghi chép, với một người nó vậy đấy, còn ghi chép với doanh nghiệp thì sao nhỉ? Nó có giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí từ bài học quá khứ? Xây dựng quan hệ và tổ chức tốt hơn nhờ dữ liệu? Phát hiện ra xu hướng và qui luật để thích ứng và đối phó? Chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau? Tăng cường giao tiếp và đoàn kết? Tất cả điều đó, liệu có thể có với một doanh nghiệp như với một con người không nhỉ ?!?
One Reply to “Những lợi ích nhỏ của việc ghi chép với tôi”