Tôi mới đọc xong cuốn sách, “Súng, vi trùng và thép”. Bìa của cuốn sách mô tả một nhúm vài trăm thủy thủ Châu Âu đã tàn sát một đội quân đông cả ngàn người Châu Mĩ, và đang bắt sống vua của họ, một hành động nhân danh thiên Chúa.
Tác giả Jared Diamond, bằng cách quan sát điều kiện địa lí, khí hậu, sinh học, chính trị, lịch sử, đã có một số nhận xét sau:
- Châu Âu giàu có hơn và giết hết thổ dân châu Mĩ là do có (và bằng cách) vi trùng, sắt thép, sùng và ngựa.Châu Âu có những thứ đó còn Châu Mĩ không có là vì Châu Âu có mật độ dân cư cao hơn, cho phép tạo ra, lan truyền, phát triển các phát minh, vi trùng.
- Mật độ dân cư cao hơn ở Châu Âu vì ở đây có điều kiện để phát triển nông nghiệp hơn. Hầu hết các loài cây trồng, vật nuôi hiện nay đã được thuần hóa từ ngàn năm trước, ngay cả những nhà khoa học nông nghiệp hiện đại với đầy đủ thiết bị trên tay, cho đến nay hầu như không thuần hóa thêm loài nào mới (có chăng chỉ cải tiến loài cũ).
- Hầu hết thành quả thuần hóa cây trồng vật nuôi hiện nay đến từ khu vực có tên là “Trăng lưỡi liềm Màu mỡ”.
- Châu Âu không tiêu diệt được Châu Á, là bởi vì Châu Á cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cho phép phát triển nông nghiệp và dân cư mật độ cao nên chênh lệch giữa 2 bên không quá lớn (như Châu Âu và Châu Mĩ).
- Châu Á không được phát triển như Châu Âu là bởi lục địa Á ít bị chia cắt, cho nên các quốc gia nhỏ dễ dàng bị thống nhất thành một quốc gia lớn. Như thế các kĩ thuật và phát minh thường bị đè bẹp bởi các vấn đề chính trị (có vẻ chính trị, ở một khía cạnh nào đó là kẻ thù của các phát minh). Ví dụ như tầng lớp quan lại đấu đá nhau sẽ tác động, tiêu diệt thành quả của nhóm còn lại, làm các phát minh chưa đủ thời gian chín muồi đã bị hủy diệt.
- Châu Úc quá khắc nghiệt để có thể mạnh mẽ và thống trị.
- Châu Phi, dù có lợi thế ban đầu, nhưng lợi thế đó chỉ tốt cho việc phát sinh loài người. Quá nhiều sa mạc, chia cắt, khắc nghiệt… để có thể phát triển nông nghiệp và tập trung mật độ dân cư cao.
- Sự phát triển của loài người ở các Châu lục khác nhau đều có một qui luật chung: Trùng với niên đại phát triển của loài người là niên đại tuyệt chủng của vô số loài động vật. Duy còn có châu Phi vẫn giữ được sự đa dạng là vì các loài vật ở đó đã tiến hóa cùng con người và do đó hiểu loài người hơn, sợ loài người hơn, tránh được nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ như con hải cẩu hoặc cá voi, do tổ tiên của chúng chưa tiếp xúc với loài người nên chúng hầu như không né tránh, trốn chạy, đa phần chúng dễ dàng bị thợ săn đồ đá của loài người tiêu diệt.
- Các nền văn minh khai phá các lục địa mới đều luôn tìm cách diệt chủng dân cư bản địa, chiếm cứ đất đai và tài nguyên.
Bài học tự rút ra:
- Khoa học kĩ thuật là chìa khóa sống còn cho một tổ chức.
- Khoa học kĩ thuật ban đầu không có tính ứng dụng, không phát sinh do nhu cầu mà phát sinh ngẫu nhiên.
- Để ứng dụng, khoa học kĩ thuận cần có thời gian dài được nuôi dưỡng, lan truyền, cải thiện, rồi ứng dụng.
- Khoa học kĩ thuật liên quan đến mật độ dân cư đông, nơi mà có nhiều người làm việc và nhiều người có thể ngồi chơi xơi nước, nghĩ ra các trò chơi vớ vẩn. Có lẽ, các start up không phải là nơi có nhiều nghiên cứu và phát minh, ngược lại, chính các tổ chức lớn dễ dàng làm điều này hơn.
- Bản chất của con người là cạnh tranh, tình dục, bạo lực.
- Cũng thuộc về bản chất con người là cộng tác, chăm sóc, hòa hợp.
- Chính sự đa dạng, sự đối lập đã làm con người phát triển, tổ chức cũng vậy.
- Chính trị có thế làm chậm sự tiến bộ trong tổ chức. Nhưng không có nó, có thể tổ chức không tồn tại và vững mạnh.
- Mình khổ là do mình ngu. Hãy cố gắng học tập và làm việc chăm chỉ cho bớt ngu đi. Tối thiểu thì thế hệ sau của mình bớt khổ.
- Không có sự công bằng nào hết, đó là bản chất của thế giới tự nhiên. Đừng gào thét như một thằng điên đòi hỏi sự công bằng, thay vào đó, hãy tranh đấu.
- Tình yêu ư? Hãy cẩn thận với nó. Quên chuyện nhận được lợi ích từ nó đi, nếu bạn không ra gì, vợ sẽ bỏ bạn đi, cả con bạn cũng thế, mà cả bố mẹ cũng vậy luôn. Để có được tình yêu, hãy chăm bẵm nó, đốt tiền và thời gian cho nó.
- Hãy yêu nếu nó làm cho bạn sướng.
Cuốn sách rất thực tế và hiện sinh, đáng đế nghiên cứu. Tuy nhiên, học hỏi từ lịch sử là một sai lầm. Dòng sông thời gian cứ trôi mà ta không bao giờ có cơ hội tắm 2 lần trên nó.