Quả tiêu đề tôi đặt cho tăng tính hài hước theo lời khuyên của ngài Jonathan Haidt khi nói đến vấn đề đạo đức thôi. Ý tôi là họ cũng tốt, tôi cũng tốt, vậy người tốt trở nên khác biệt và xa cách nhau khi nào? Khi những “chú voi trực giác” của chúng ta quá lớn để có thể ngồi chung bàn…
Tư duy đạo đức
Vì sao người tốt bị chia rẽ bởi chính trị và tôn giáo?
Tôi vốn dĩ chẳng quan tâm quá nhiều vào câu hỏi quan trọng tới mức tác giả – Jonathan Haidt phải đặt lên ngay đầu của cuốn sách tuyệt vời này, vì với tầm hiểu biết nông cạn của một đứa chẳng quan tâm chính trị và cũng không theo tôn giáo nào như tôi, tôi thấy quê hương mình chẳng có bất đồng nào trong hai vấn đề trên đủ lớn để có thể chia rẽ người tốt cả. May mắn là dù không quá mặn mà với tựa đề nhưng cuốn sách ngay lập tức khiến tôi tò mò và tự đặt cho mình hai câu hỏi. Thứ nhất: Vậy thứ sách này sẽ được làm gì với mình? Thứ hai: Rốt cuộc, ngoài chính trị và tôn giáo ra, người tốt sẽ bị chia rẽ ra sao? (Vì trước đó lý thuyết thế giới màu hồng của một đứa “chưa nứt mắt” như tôi đại loại: Người tốt với nhau, sớm muộn cũng sẽ ở bên nhau).
Tôi chưa từng bộc lộ cảm xúc với những thứ mình đọc được bằng cách viết gì đó linh tinh nhưng riêng với “Tư duy đạo đức”, nếu không ngồi gõ liên hoàn mấy dòng này như bây giờ thì thật cuồng tay chết mất. Dù chưa biết những điều tuyệt vời trong cuốn sách này có thay đổi gì với bản thân tôi trong thời gian tới, nhưng đây là lần đầu tôi được phép tắt “fire-wall” bản thân đi và thì thầm với bản ngã của chính mình trong suốt những năm vừa qua.
Nếu bạn có từng đọc qua những đoạn caption dài ngoằng mà tôi chia sẻ trên facebook, viết về tuổi trẻ, về thanh xuân, về những ngông cuồng, và về bao điều cứ làm mặc thiên hạ phán xét đúng sai thì chính xác rằng tôi đã luôn miêu tả bản thân như một đứa bảo thủ, nhưng tôi cũng đồng thời khẳng định chưa từng thấy điều đó là tệ hại hay sai trái.
Thậm chí giờ tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó, rằng tôi tin vào trực giác và những linh tính về đúng sai của bản thân, quan điểm của tôi không thay đổi khi gặp tác động ngoại cảnh (thiên hạ, gia đình, bạn bè), tường lửa trong đầu được bật để phản kháng với các tín hiệu mang tính nhượng bộ đại loại như: Mình đang sai chăng? Tôi có, và vẫn luôn có cả đống lý do để tiếp tục bảo vệ quan điểm cá nhân và tự do làm mọi điều mình cho là đúng.
Trong một vài cuộc tranh luận thường nhật, hay trong trò chơi ma sói (một boardgame mà nhiệm vụ chính của người chơi là thuyết phục mọi người đi theo sự dẫn dắt của mình), có những thứ lý lẽ chẳng biết từ đâu cứ chảy qua từng nơ-ron trong não và phụt ra từ miệng tôi, mục đích là để bảo vệ quan điểm mà tôi đang “hơi” nghiêng về. Chúng mạnh mẽ đến mức không chỉ tác động lên người khác mà còn khiến bản thân tôi đôi lúc bị thuyết phục bởi thứ lý lẽ “trên trời rơi xuống” mà chính mình chẳng phân biệt đúng sai này. Chẳng sao, vậy cũng tốt, miễn là quan điểm của mình được bảo vệ, tôi “chill” trong vùng an toàn của mình, tận hưởng thành quả khi vẫn đủ lý lẽ để nói với bản thân, nói với người khác rằng những thứ mình đang nghĩ, đang làm là đúng.
Con người thật khó hiểu, dù chưa từng có ý định thắc mắc, nhưng khi lướt qua chương I của cuốn sách “Tư duy đạo đức” thì đúng phải nói là “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim”. Nguyên tắc đầu tiên của tâm lý học đạo đức “trực giác đến trước, lý lẽ đến sau” giống như tia sáng chiếu xuyên suốt tâm trí tôi, cho tôi cơ hội nói chuyện với bản ngã của mình và hiểu rõ được tâm lý của bản thân trong suốt thời gian qua. Ngoài việc giúp chúng ta hiểu ra nguyên tắc tâm lý này, tác giả có để lại một lời khuyên mà tôi nghĩ mỗi người chúng ta, giữa thế giới đầy rẫy bốc đồng này, hãy một lần chiêm nghiệm. Chẳng biết có đúng ý tác giả không nữa, nhưng lời khuyên đó theo tôi hiểu rằng:
Chúng ta có và luôn có những lý lẽ để bảo vệ thứ mình cho là đúng, người khác cũng vậy. Khi hai “thứ đúng” kia bất đồng, xin con người hãy kiên nhẫn với nhau.
Chương II của cuốn sách phân tích nhiều về nền văn hóa và chính trị của nước Mỹ. Nguyên tắc thứ hai của tâm lý học đạo đức được làm rõ: Đạo đức không chỉ có thiệt hại và công bằng. Tác giả nêu ra sáu nền tảng đạo đức (gồm Chăm sóc, Công bằng, Tự do, Trung thành, Uy quyền, Thiêng liêng), và con người đã chọn một số lượng hữu hạn, có thể là 3 cũng có thể là tất cả trong các nền tảng trên để xây dựng nên những “hệ ma trận đạo đức” cho riêng bản thân và những bè phái của mình, mỗi nền tảng cũng có cách tùy biến khác nhau, từ đó mà khác biệt, mà bốc đồng, chia rẽ có lẽ cũng từ đó mà ra, khi những “chú voi trực giác” của chúng ta quá lớn để có thể ngồi chung bàn.
Lời khuyên mà tác giả nêu ra ở chương này là hãy thận trọng với những người theo lý lẽ nhất nguyên về đạo đức, tin rằng những tiêu chuẩn đạo đức tồn tại ở dạng một và chỉ một, rằng trong hàng ngàn, hàng vạn hệ ma trận được xây dựng từ 6 nền tảng đạo đức kia, thì chỉ có một trong số chúng là đúng mà thôi. Với sự nông cạn và chẳng muốn đề phòng ai như tôi, lời khuyên này đơn giản rằng:
Khi khẳng định mình đúng, đừng mặc định người khác sai.
Chương III khép lại cuốn sách với nguyên tắc tâm lý học đạo đức cuối cùng: Đạo đức kết nối mọi người và cũng làm ta mù quáng. Trong chương này, tác giả là hướng dẫn viên cho chúng ta trong cuộc hành trình tìm hiểu nguồn gốc của đạo đức và một lần nữa ông định nghĩa lại nó, rõ ràng tới mức phân tích cả về mặt sinh học của con người. Jonathan Haidt đã để dành một phần nhỏ để phản bác một lý thuyết được tiêm nhiễm vào mỗi cá nhân chúng ta bằng truyền thông trong suốt 50 năm qua rằng bản chất con người là ích kỷ, giống như việc ông bác bỏ chủ nghĩa duy lý được đề cập ở chương I. Đạo đức tạo nên những hệ ma trận của những bè phái, tổ chức, và từ đó gắn kết chúng ta chặt chẽ (chúng ta có 90% là vượn, 10% là ong, ong làm tất cả vì bảo vệ tổ, vì đồng loại). Đạo đức đồng thời làm chúng ta mù quáng khi nuôi dưỡng những “chú voi trực giác” lớn nhanh như thổi, nhanh tới mức những “chú voi” của những bè phái có hệ ma trận đạo đức khác nhau chẳng vừa chỗ để ngồi lại với nhau nữa.
Câu hỏi mà tác giả đặt ra ngay đầu cuốn sách được giải đáp. Tôi không muốn hiểu nó theo kiểu chính trị và tôn giáo chia rẽ con người. Tôi sẽ hiểu nó rằng, con người bị chia rẽ không phải vì thế gian này có những kẻ xấu và những người tốt. Đơn giản chúng ta được lập trình sẵn để tạo ra những chính nghĩa theo từng nhóm, và chính khác biệt về hệ ma trận đạo đức giữa các nhóm này làm cho con người (theo cảm tính mà quyết định lý lẽ) gặp phải rất nhiều khó khăn để hiểu lẫn nhau. Vậy là chia rẽ, vậy là bất đồng…
__________________________
Khép cuốn Tư duy đạo đức lại với ba chương là ba nguyên tắc lớn trong tâm lý học đạo đức, Jonathan Haidt dành cho đọc giả những ánh sáng khiến họ nhìn thấu được mình, kèm theo đó là những lời khuyên giúp con người phá vỡ bức tường băng lâu nay ngăn cách họ bước đến vị trí của nhau.
Hệ ma trận đạo đức hay tâm can của mỗi người vốn dĩ chẳng có quá nhiều khác biệt, điều đáng buồn và đi ngược lý thuyết thế giới màu hồng rằng, người ta chưa bao giờ cho bản thân cơ hội để đặt mình vào vị trí của đối phương, không hiểu được nhau là lẽ thường. Từ đó mà đau lòng, mà xa cách, mà chia ly.
Đặng Đức Quân,
Hanoi 03/2020.
Cuốn phức tợp thế này mà chú cũng đọc được à
Hôm trước họp anh gợi ý em cuốn này thì em mới đọc đấy, chứ trẻ trâu như em nhìn tiêu đề “Đạo đức” là toàn né thôi ạ =))